Bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra trong lĩnh vực giáo dục

Thứ ba, 02/10/2018 08:58
(ThanhtraVietNam) – Theo dự thảo Nghị định của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến thì thẩm quyền xử phạt của Thanh tra được quy định rất cụ thể. Ngoài lực lượng thanh tra ngành Giáo dục và Đào tạo thì lực lượng quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; thanh tra chuyên ngành về Thông tin và truyền thông; thanh tra chuyên ngành về Tài chính cũng có thẩm quyền xử phạt.

Sau 5 năm thực hiện Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị định số 138/2013/NĐ-CP đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và yêu cầu của thực tiễn là điều tất yếu.

Riêng về lĩnh vực thanh tra, dự thảo Nghị định quy định rất rõ ràng thẩm quyền xử phạt của Thanh tra. 

Cụ thể, thanh tra viên đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 500.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 500.000 đồng.

Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 50.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt quy định là 50.000.000 đồng; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 4 Nghị định này.

Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành giáo dục cấp Sở có quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc phạm vi, nội dung cuộc thanh tra trong thời hạn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra, gồm: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 50.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 4 Nghị định này.

Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành giáo dục cấp Bộ có quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc phạm vi, nội dung cuộc thanh tra trong thời hạn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra, gồm: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 70.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 70.000.000 đồng; ápp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính và Điều 4 Nghị định này.

Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến mức tối đa là 100.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính và Điều 4 Chương I Nghị định này.

leftcenterrightdel
 Theo quy định tại dự thảo Nghị định, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể phạt đến 100 triệu đồng (ảnh minh họa, nguồn itnernet)

Một trong những điểm mới của dự thảo Nghị định của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục là quy định thu hẹp đối tượng có thẩm quyền xử phạt đối với “Chánh Thanh tra cấp Bộ” thành “Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo” cho phù hợp với thực tiễn tại Khoản 5 Điều 40.

Đặc biệt, bổ sung 01 Điều quy định về việc phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho phù hợp với thực tiễn và chức năng, nhiệm vụ của một số lực lượng thanh tra chuyên ngành. Theo đó, tại Điều 41 Chương III của dự thảo Nghị định có quy định như sau:

“1. Lực lượng quản quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi mua sắm, tiếp nhận sách, giáo trình, tài liệu, thiết bị dạy học không đúng quy định tại Khoản 3 Điều 34 Nghị định này.

2. Thanh tra chuyên ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi mua sắm, tiếp nhận sách, giáo trình, tài liệu, thiết bị dạy học có nội dung không phù hợp, xuyên tạc, kích động bạo lực, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của dân tộc tại Khoản 3 Điều 34 Nghị định này.

3. Thanh tra chuyên ngành về Thông tin và truyền thông có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi in, xuất bản sách giáo khoa không đúng quy định tại Khoản 3 Điều 34 Nghị định này.

4. Thanh tra chuyên ngành về Tài chính có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 35 Nghị định này.

Ngoài ra, về thẩm quyền lập biên bản xử phạt, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục của lực lượng công an, quân đội còn có ý kiến cho rằng, mặc dù có chức năng quản lý nhà nước về giáo dục trong công an nhân dân nhưng sĩ quan công an nhân dân thuộc Tổng Cục chính trị công an nhân dân không có thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục vì Nghị định 138/2013/NĐ-CP không quy định đối tượng này có thẩm quyền. Do đó, cần bổ sung quy định sĩ quan công an nhân dân khi đang thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục có quyền lập biên bản vi phạm hành chính. Vì vậy, Ban soạn thảo đang đề nghị Chính phủ cho ý kiến về nội dung này./.

Hoàng Minh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra