Cụ thể, Khoản 1 Điều 50 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định Thanh tra viên lao động, người được giao nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội quy định tại Chương II và Chương III của Nghị định này.
Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 37.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Chánh thanh tra Bộ LĐTBXH có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Khoản 4 Điều 50 còn quy định Trưởng đoàn thanh tra lao động cấp Bộ có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 52.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đến 70.000.000 đồng đổi với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (ảnh minh họa, nguồn: Minh Nguyệt)
Trưởng đoàn thanh tra lao động cấp Sở, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan quản lý nhà nước được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 37.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo họp đồng.
Theo quy định tại Điều 50, Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH và Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH, Trưởng đoàn thanh tra lao động cấp Bộ và Trưởng đoàn thanh tra lao động cấp Sở, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan quản lý nhà nước được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực này, ngoài thẩm quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền nêu trên, đều có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại Chương II và Chương IV, trừ hình thức xử phạt bổ sung quy định tại Khoản 5 Điều 31 của Nghị định này; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV của Nghị định này.
Bên cạnh đó, Nghị định 28/2020/NĐ-CP cũng quy định về thẩm quyền xử phạt của cơ quan Bảo hiểm xã hội, quy định tại Điều 53. Trong đó, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định thành lập có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 52.500.000 đồng đối với các hành vi vi phạm về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Điều 38 của Nghị định này; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 7 Điều 38 của Nghị định này.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/04/2020./.
Minh Nguyệt