Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.
Sử dụng thẻ nhà báo hết hạn bị phạt tới 5 triệu đồng
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Mạo danh nhà báo, phóng viên để hoạt động báo chí; lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân; sử dụng thẻ nhà báo đã bị sửa chữa, tẩy xóa để hoạt động báo chí. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên để trục lợi.
Điều 6 của Nghị định quy định các hành vi vi phạm liên quan tới hoạt động báo chí, sử dụng thẻ nhà báo. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Sử dụng thẻ nhà báo đã hết hạn sử dụng để hoạt động báo chí; phóng viên nước ngoài, trợ lý báo chí của phóng viên nước ngoài hoạt động báo chí tại Việt Nam mà không có thẻ phóng viên nước ngoài hợp lệ do Bộ Ngoại giao Việt Nam cấp;
Người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan công tác của người thuộc diện phải nộp lại thẻ nhà báo không thu lại thẻ nhà báo hoặc thu lại thẻ nhà báo nhưng không nộp về Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc không thông báo bằng văn bản đối với các trường hợp: Người được cấp thẻ nhà báo nhưng chuyển sang làm nhiệm vụ khác không còn là đối tượng được cấp thẻ; người được cấp thẻ nhà báo đã nghỉ hưu; người đã hết thời hạn hợp đồng lao động nhưng không được ký tiếp hợp đồng lao động mới hoặc không tiếp tục làm việc tại cơ quan báo chí; Người được cấp thẻ nhà báo không nộp lại thẻ nhà báo (trừ trường hợp có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn nơi mất thẻ về việc bị mất thẻ) trong các trường hợp sau: Khi cơ quan báo chí bị thu hồi giấy phép hoạt động báo chí; chuyển sang làm nhiệm vụ khác không còn là đối tượng được cấp thẻ nhà báo; đã nghỉ hưu; đã hết thời hạn hợp đồng lao động nhưng không được ký tiếp hợp đồng lao động mới hoặc không tiếp tục làm việc tại cơ quan báo chí;
Tại Điều 7 quy định rất rõ hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí, cụ thể, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp; hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 33 của Nghị định nêu rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của thanh tra, người được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông. Theo đó, Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.
Tăng thẩm quyền xử phạt cho Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương
Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 1.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 1.000.000 đồng;
Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, Trưởng đoàn thanh tra Thông tin và Truyền thông cấp Sở, Trưởng đoàn thanh tra của Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Xuất bản, In và Phát hành có thẩm quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 100.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 100.000.000 đồng;
Trưởng đoàn thanh tra cấp Bộ Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 140.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 140.000.000 đồng;đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định này.
Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục trưởng Cục Báo chí, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành có thẩm quyền: Phạt cảnh cáo; thạt tiền đến 200.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
Điều 34 thì lại quy định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của thanh tra ngoại giao. Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí đối với hành vi vi phạm hành chính phù hợp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Cụ thể như sau: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 200.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2020. Nghị định này thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, trừ trường hợp quy định tại Điều 43 Nghị định này./.
Lan Anh