Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ TT&TT

Thứ sáu, 08/12/2017 16:17
(ThanhtraVietNam) – Thanh tra Bộ là tổ chức thuộc Bộ TT&TT, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ TT&TT; tiến hành thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ TT&TT.

Đó là vị trí và chức năng của Thanh tra Bộ TT&TT được quy định trong Quyết định 1919/QĐ-BTTTT do Bộ trưởng Trương Minh Tuấn ký ban hành.

Theo Quyết định này, Thanh tra Bộ có con dấu và tài khoản riêng, được Bộ TT&TT cấp kinh phí hoạt động; được trích, lập, quản lý và sử dụng các khoản kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Bộ TT&TT có nhiệm vụ, quyền hạn xây dựng và trình Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch thanh tra của Bộ; tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra thuộc trách nhiệm của Thanh tra Bộ; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra của các Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ.

Đồng thời, tiến hành thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ TT&TT; thanh tra đối với các doanh nghiệp nhà nước do Bộ trưởng Bộ TT&TT quyết định thành lập và các doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật; thanh tra việc thực hiện pháp luật chuyên ngành các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Thanh tra Bộ TT&TT còn có nhiệm vụ giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra của Thanh tra Bộ; kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của Cục trưởng Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành TT&TT, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đối với vụ việc thuộc lĩnh vực TT&TT khi cần thiết.

leftcenterrightdel
 Trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông (ảnh minh họa, nguồn internet)

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ còn chủ trì hoặc tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về công tác thanh tra; xử lý vi phạm hành chính; tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng và các văn bản quy phạm pháp luật khác do Bộ trưởng Bộ TT&TT giao; tổ chức tập huấn và hướng dẫn nghiệp vụ về công tác thanh tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TT&TT; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thanh tra.

Yêu cầu Cục trưởng Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành TT&TT tổng hợp, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về công tác thanh tra, xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Bộ trưởng, Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ.

Ngoài ra, việc quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực TT&TT; xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; nghiên cứu khoa học, tổng kết, rút kinh nghiệm, xây dựng, biên soạn tài liệu nghiệp vụ; tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng; phối hợp tham gia hoạt động của Đoàn Liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương; hợp tác quốc tế; trưng tập cán bộ; tổng hợp, báo cáo; sơ kết, tổng kết quản lý cán bộ, công chức, tài sản, hồ sơ  cũng thuộc nhiệm vụ của Thanh tra Bộ TT&TT.

Về cơ cấu tổ chức, Thanh tra Bộ TT&TT có lãnh đạo là Chánh Thanh tra và các Phó Chánh Thanh tra. Tổ chức bộ máy gồm các phòng: Tổng hợp; Thanh tra Bưu chính; Thanh tra Viễn thông và Công nghệ thông tin; Thanh tra Báo chí và Thông tin trên mạng; Thanh tra Xuất bản, In và Phát hành; Thanh tra Hành chính và Xử lý khiếu tố./.

Hoàng Minh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra