Điều 27 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”.
Đáng chú ý, việc có được nhờ người khác đi bầu cử thay không là vấn đề có thể nhiều người chưa nắm rõ. Theo Điều 69 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015: Cử tri phải tự mình, đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri.
Trường hợp, cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
Bầu cử là quyền của mỗi công dân nhằm lựa chọn những đại biểu ưu tú, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân vào Quốc hội khoá và HĐND các cấp. (Ảnh: Minh Nguyệt)
Về địa điểm bỏ phiếu bầu cử, tùy theo điều kiện cơ sở vật chất ở địa phương, địa điểm bỏ phiếu là nhà văn hóa, hội trường, trường học... Thời gian bỏ phiếu bắt đầu từ 7h - 19h tối cùng ngày. Việc bỏ phiếu có thể sớm hơn nhưng không được trước 5h hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 9h tối cùng ngày.
Thực tế cho thấy, kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, được sự cho phép của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, một số tổ bầu cử đã tiến hành bầu cử trước ngày 23/5/2021.
Ngày 6/5/2021, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã có Văn bản số 660/HĐBCQG-VP yêu cầu Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, cập nhật danh sách cử tri, phát thẻ cử tri trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, những người đã có thẻ cử tri nhưng đi đến một nơi khác và vì dịch bệnh không thể về bỏ phiếu, thì chậm nhất 24 giờ trước thời điểm bầu cử, có thể đến UBND cấp xã (nơi có thể bỏ phiếu) đề nghị bổ sung vào danh sách cử tri.
Về cách gạch phiếu bầu cử, nếu cử tri không tín nhiệm người ứng cử nào thì gạch ngang cả họ và tên người ứng cử đó (gạch đè lên hàng chữ họ và tên người ứng cử). Lưu ý, không khoanh tròn; không được đánh dấu trên phiếu bầu; không được viết thêm, không được ghi tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu; không để nguyên phiếu bầu đối với phiếu bầu có số dư người ứng cử (không gạch tên người ứng cử nào) hoặc gạch tất cả người ứng cử trong phiếu bầu.
Như vậy, cùng với việc biết thông tin về các đại biểu ứng cử, mỗi cử tri cần phải nắm rõ các quy định trong bầu cử để có những lá phiếu hợp lệ, sáng suốt lựa chọn những đại biểu ưu tú, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân vào Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026./.
Hoàng Minh