Cụ thể, kế hoạch phòng, chống tham nhũng của Bộ GTVT đến năm 2020 bảo đảm quán triệt quan điểm, mục tiêu, giải pháp của Đảng và Nhà nước trong PCTN và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trên quan điểm phòng ngừa là chính, cơ bản lâu dài. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền trong xử lý tham nhũng, bất kể người đó là ai.
Theo đó, Bộ đưa ra các nội dung cụ thể như sau:
1. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị:
Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phải xác định công tác PCTN là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải gương mẫu, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN; chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng và các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc chống tham nhũng; chủ động lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Hàng năm, việc bình xét thi đua, khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân phải được đánh giá cả tiêu chí hiệu quả công tác PCTN trong tổ chức, cơ quan, đơn vị. Cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu thực hiện nghiêm quy định của Đảng và Nhà nước về PCTN với phương châm: Cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.
2. Tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ:
Bộ Giao thông vận tải tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công vụ, công chức, nhất là việc thực hiện quy tắc ứng xử, những việc cán bộ, công chức không được làm, trách nhiệm giải trình việc thực thi công vụ.
Đồng thời, xử lý trách nhiệm, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ có biểu hiện tham nhũng gây dư luận theo quy định của pháp luật; khắc phục những hạn chế của việc chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng. Không bố trí, đề bạt, bổ nhiệm những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc, lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực theo quy định.
3. Kiểm soát tài sản, thu nhập; tăng cường công khai, minh bạch trong thực thi công vụ:
Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là trong một số lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như: Các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, đầu tư nước ngoài, công tác cán bộ, cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm, kiểm soát tải trọng phương tiện, nạo vét luồng hàng hải…
Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt; quyền tiếp cận thông tin; bảo vệ bí mật nhà nước; kiểm soát việc thực thi quyền lực trong các hoạt động quản lý nhà nước; trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước...
4. Hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội; đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng:
Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ thường xuyên rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng: Đầu tư Dự án theo hình thức BOT, BT,..., cổ phần hóa doanh nghiệp, công tác cán bộ, nạo vét luồng tuyến đường thủy, hàng hải theo hình thức xã hội hóa, cấp phép điều khiển phương tiện giao thông, đăng kiểm...
5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; nâng cao hiệu quả công tác giám định và thu hồi tài sản tham nhũng:
Thực hiện nghiêm các quy định về giải quyết tố cáo, thông tin phản ánh về tham nhũng, đặc biệt là tố cáo, phản ánh trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng cơ chế hữu hiệu về bảo vệ người tố cáo, bảo vệ người làm chứng trong tố giác và phát hiện tham nhũng.
Đồng thời, thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực có nhiều dư luận, nguy cơ phát sinh tham nhũng như: Quản lý đầu tư xây dựng, các: dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tài chính, đầu tư nước ngoài, công tác tổ chức cán bộ, cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm, kiểm soát tải trọng phương tiện, nạo vét luồng hàng hải….. Thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là những vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong thực hiện các dự án đầu tư gây bức xúc trong xã hội.
6. Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội:
Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, Ban thanh tra nhân dân, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp và nhân dân trong việc nâng cao nhận thức, phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng.
Phát huy vai trò của báo chí trong phát hiện tham nhũng, gắn trách nhiệm của cơ quan báo chí trong việc phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan chức năng để phục vụ việc xem xét, xử lý vụ việc tham nhũng mà báo chí đã phát hiện, đăng tải, đồng thời đảm bảo cơ chế bảo vệ nguồn tin, bảo vệ người tố cáo theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện Chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2020; tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về PCTN theo chỉ đạo của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ.
7. Kiện toàn tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng:
Thanh tra Bộ thực hiện tốt vai trò thường trực, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, vì vậy, phải thường xuyên kiện toàn bộ máy thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thực hiện kiện toàn bộ máy thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, giúp Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng theo Chỉ thị số 08/CT-BGTVT ngày 23/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của Bộ Giao thông vận tải.