Đề xuất trình trạng khẩn cấp nếu ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Thứ ba, 09/06/2020 07:36 (GMT+7)
Dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) điều chỉnh theo hướng khi ô nhiễm không khí nghiêm trọng trên địa bàn, chủ tịch tỉnh phải có biện pháp khẩn cấp, xử lý khẩn cấp.
Ông Lê Hoài Nam - vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường thông tin về luật bảo vệ môi trường (sửa đổi). Ảnh: CTV
Chiều 8.6, tại cuộc toạ đàm về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) - Bộ Tài nguyên và Môi trường, thông tin về những điểm mới trong dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) ông Lê Hoài Nam, Vụ trưởng Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường) cho biết dự thảo luật bổ sung quy định xác lập và triển khai quản lý chất lượng không khí trong địa bàn, vùng lãnh thổ.
Theo đó, chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm lập kế hoạch bảo vệ môi trường không khí. "Kế hoạch bao gồm việc đánh giá chất lượng và hiện trạng không khí trên địa bàn; kiểm kê nguồn đóng góp khí thải trên vùng lãnh thổ, xây dựng giải pháp", ông Nam cho biết.
Theo đó, khi chất lượng không khí ở mức rất xấu hoặc nguy hại theo thang tính AQI, chủ tịch UBND các tỉnh, thành sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp và ban hành biện pháp khẩn cấp để khắc phục ô nhiễm.
Đốt rơm rạ là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Ảnh: Tô Thế
"Dự thảo Luật không quy định các biện pháp phải thực hiện khi ban bố tình trạng khẩn cấp. Phương án cụ thể sẽ do chủ tịch UBND các tỉnh, thành quy định tuỳ thuộc vào tình hình thực tế của từng địa phương", ông Nam nói.
Ông Nam cũng cho hay, những biện pháp như hạn chế ôtô, xe máy, ngăn chặn đốt chất thải, rơm rạ đều là biện pháp giảm ô nhiễm không khí, vì vậy, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu xem nội dung này có thể hiện trong dự thảo luật hay giao cho Chính phủ nghiên cứu quy định trong nghị định.
Tại buổi toạ đàm này, PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, nguyên Viện trưởng Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, việc ban bố tình trạng khẩn cấp về ô nhiễm không khí là cần thiết, tuy nhiên không nên chỉ dựa vào chỉ số AQI vì chỉ số AQI mang tính tức thời, nhằm cảnh báo cho người dân để có biện pháp phòng trách khi đi ra ngoài.
Theo ông Dũng, nên chia ra hai nhóm tình trạng khẩn cấp: thứ nhất, do sự cố về môi trường, do cháy nổ nhà máy hoá chất; thứ hai, do các nguồn ô nhiễm kết hợp với hiện tượng khí tượng cục đoan, đẩy nồng độ ô nhiễm ở một khu vực tăng tới mức cực đoan.
Theo Laodong.vn