Theo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật ( ban hành ngày ngày 5/3 và có hiệu lực thi hành từ 15/5/2020), Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành.
Cụ thể, Nghị định mới bổ sung Điều 10a về xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật. Trong đó quy định: Trên cơ sở kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp có trách nhiệm xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý nhà nước được giao. Đồng thời, có trách nhiệm xem xét, đánh giá tác động tích cực, tác động tiêu cực của việc thi hành các quy định pháp luật đối với đời sống kinh tế, xã hội.
Một hoạt động tập huấn nghiệp vụ, thi hành pháp luật về thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải. Ảnh: O.H
Đáng chú ý, Điều 12 cũng được bổ sung, quy định rõ: Về kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm và liên ngành, căn cứ vào Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật do Thủ tướng Chính phủ ban hành, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm và liên ngành.
Quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành phải nêu rõ nội dung, kế hoạch làm việc của đoàn kiểm tra, thành phần đoàn kiểm tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng được kiểm tra. Quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành được thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng được kiểm tra chậm nhất 07 ngày làm việc, trước ngày bắt đầu kiểm tra;
Cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng được kiểm tra báo cáo bằng văn bản, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm tra; giải trình những vấn đề thuộc nội dung kiểm tra theo yêu cầu của nội dung kiểm tra liên ngành. Đoàn kiểm tra liên ngành xem xét, xác minh, kết luận về những vấn đề thuộc nội dung kiểm tra. Và chậm nhất 15 ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành phải có văn bản thông báo kết luận kiểm tra gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân được kiểm tra.
“Kết luận kiểm tra phải có các nội dung cơ bản: nhận xét, đánh giá được những kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong thi hành pháp luật; kiến nghị thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật; kiến nghị việc xem xét, xử lý trách nhiệm sai phạm (nếu có) của cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền thi hành pháp luật”. Nghị định mới quy định.
Về thẩm quyền, trách nhiệm kiểm tra thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp kiểm tra việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo 06 nội dung cơ bản gồm: việc ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện; việc đảm bảo về các điều kiện biên chế, kinh phí; việc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và việc ban hành, tổ chức kế hoạch triển khai theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Tiếp đó, là công tác phối hợp theo dõi và việc xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật...
Bộ Tư pháp có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh kịp thời xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật; tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Oanh Hữu