Đối tượng thanh tra của Hải quan là doanh nghiệp xác định rủi ro cao

Thứ sáu, 22/12/2017 11:01
(ThanhtraVietNam) – Theo quy định tại Quyết định số 4129/QĐ-TCHQ của Tổng cục Hải quan, Thủ trưởng đơn vị Hải quan được giao chủ trì cuộc thanh tra có trách nhiệm chỉ đạo thu thập thông tin, lựa chọn đối tượng thanh tra để xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm. Cụ thể, đối tượng thanh tra được lựa chọn là các doanh nghiệp trọng điểm, xác định rủi ro cao.

Quyết định số 4129/QĐ-TCHQ được Tổng cục Hải quan ban hành ngày 11/12/2017 quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra; trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành về Hải quan. Trong đó, Chương III quy định cụ thể về xác định, lựa chọn đối tượng thanh tra.

Theo đó, các nội dung thông tin cần thu thập để lựa chọn đối tượng thanh tra, bao gồm:

Đặc điểm chính về đối tượng thanh tra: Tên, địa chỉ đối tượng thanh tra, mô hình tổ chức bộ máy tại trụ sở chính, chi nhánh, đơn vị hạch toán phụ thuộc (nếu có); cơ chế quản lý, nhiệm vụ, mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị, bộ phận; cơ chế kiểm soát nội bộ của đối tượng thanh tra...;

Hệ thống các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của đối tượng thanh tra; tình hình và kết quả hoạt động xuất nhập khẩu chủ yếu: Tổng số tờ khai được làm thủ tục tại đơn vị và tại các Chi cục Hải quan khác trên cả nước; kim ngạch, loại hình, mặt hàng XNK chủ yếu; tổng số thuế đã nộp; số thuế còn nợ, nguyên nhân...;

Kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra trước đó; các vi phạm, sai sót về chính sách, chế độ và quản lý chủ yếu đã được phát hiện, kết quả xử lý; khả năng, dấu hiệu vi phạm (nếu có)...

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa, nguồn internet

Các thông tin được thu thập từ rất nhiều nguồn, như: Cơ sở dữ liệu thông tin về đối tượng thanh tra của ngành Hải quan (Dữ liệu về tờ khai hải quan, về trị giá hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; hệ thống thông tin về quản lý rủi ro; thông tin và danh sách các đối tượng trọng điểm thanh tra do cơ sở dữ liệu từ hệ thống quản lý rủi ro cung cấp;...); cơ sở dữ liệu thông tin về đối tượng thanh tra của các cơ quan thuộc ngành Tài chính (như: Thuế và Kho bạc Nhà nước; Thanh tra Bộ Tài chính; Ủy ban Chứng khoán; Cục Quản lý giá...); dữ liệu, thông tin của các cơ quan khác có liên quan: Kiểm toán Nhà nước; Thanh tra Chính phủ; các cơ quan quản lý thuộc Bộ, ngành, hiệp hội ngành nghề kinh doanh...; các cơ quan truyền thông, truyền hình, báo chí...; thông tin từ đơn khiếu nại, đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế (trốn thuế, gian lận thuế...); thông tin trong quá trình giải quyết vướng mắc, hướng dẫn thủ tục hải quan cho các tổ chức, cá nhân.

Việc lựa chọn đối tượng thanh tra dựa vào danh sách doanh nghiệp trọng điểm (các doanh nghiệp có rủi ro ở các mức độ và các lĩnh vực hoạt động khác nhau) của Tổng cục Hải quan và các Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Đồng thời, còn dựa vào yêu cầu nhiệm vụ công tác của ngành, của đơn vị; định hướng xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm của cơ quan quản lý cấp trên; kết quả phân tích, đánh giá thông tin thu thập về đối tượng thanh tra.

Từ đó, danh sách đối tượng thanh tra được lập theo kết quả phân tích, xác định rủi ro cao, trung bình, thấp và cân đối với nguồn nhân lực của đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra để xác định số lượng đối tượng thanh tra đưa vào kế hoạch thanh tra hàng năm.

Trên cơ sở danh sách đối tượng thanh tra đã được các đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra lựa chọn, đơn vị thanh tra chịu trách nhiệm lập cơ sở dữ liệu về đối tượng thanh tra; tổng hợp dự thảo kế hoạch thanh tra chuyên ngành hải quan năm; làm thủ tục trình cấp có thẩm quyền xử lý chồng chéo (nếu có) và phê duyệt kế hoạch năm theo quy định của pháp luật về thanh tra của Bộ Tài chính và của Tổng Cục Hải quan.

Ngoài ra, các cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Hải quan còn tiến hành thanh tra đột xuất khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế và các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; theo yêu cầu của Bộ trưởng, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính hoặc Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan (đối với cấp Cục Hải quan tỉnh, thành phố)./.

Hoàng Minh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra