KTNN nhận định, Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Qua quá trình tổng kết thi hành Luật, KTNN đã đánh giá những bất cập, hạn chế xuất phát từ thực tiễn 03 năm thực hiện. Nhiều vấn đề mới phát sinh cần phải giải quyết, một số quy định bộc lộ những bất hợp lý cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Trong đó, một nội dung quan trọng được bổ sung là quy định thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng (PCTN) theo quy định của pháp luật về PCTN; thực hiện giám định tài chính, tài sản đối với những vấn đề liên quan theo đề nghị của cơ quan tố tụng; quy định về quyền kiểm tra, xác minh theo pháp luật về PCTN. Cụ thể:
Về nhiệm vụ PCTN và giám định tư pháp
KTNN là lĩnh vực có tính đặc thù, cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN vẫn tiếp tục cần được hoàn thiện. Thời gian qua, một số nhiệm vụ phát sinh KTNN đã và đang phải thực hiện hoặc về lâu dài đây là nhiệm vụ của KTNN nhưng chưa được quy định trong Luật KTNN, như: Vai trò của KTNN trong PCTN; trưng cầu giám định tư pháp; xác minh các đơn thư tố cáo về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công,…
Do đó, để bảo đảm nguyên tắc hoạt động kiểm toán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, trung thực, khách quan, KTNN phải có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp, cần sửa đổi, bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN, trong đó có nhiệm vụ PCTN.
Luật PCTN đề cao vai trò và quy định rõ trách nhiệm của KTNN trong PCTN thông qua việc thực hiện chức năng kiểm toán. Luật cũng quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của KTNN trong PCTN.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật KTNN và Luật PCTN, KTNN được xác định là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng. Năm 2018 (tổng hợp đến 31/12/2018), qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân số vụ việc, gồm: 33 báo cáo kiểm toán có kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân; năm 2017, KTNN đã kiến nghị chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 6 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, số vụ kiến nghị chuyển cơ quan cảnh sát điều tra trong năm 2018 (tổng hợp đến 31/12/2018) 05 bộ hồ sơ. Cung cấp 12 bộ hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác giám sát, kiểm tra, tố tụng và gửi một số báo cáo chuyên đề cung cấp thông tin phục vụ kịp thời các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các đoàn giám sát của Quốc hội…
Về nhiệm vụ giám định tư pháp, trong những năm gần đây, nhu cầu giám định tư pháp ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, đầu tư, đất đai, tài nguyên... phục vụ cho giải quyết vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế ngày càng lớn và thường xuyên hơn. Tuy nhiên, việc tiếp nhận và thực hiện giám định ở các lĩnh vực này còn chưa kịp thời, chất lượng và sự khách quan của kết luận giám định trong một số vụ việc còn chưa bảo đảm, chưa đáp ứng yêu cầu giải quyết của hoạt động tố tụng.
Kiểm toán Nhà nước có vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ PCTN
Với tư cách “là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công” (Khoản 1 Điều 118 của Hiến pháp năm 2013), KTNN có vị trí độc lập khi thực hiện giám định tư pháp những vụ việc có liên quan đến quản lý nhà nước của các cơ quan, tổ chức trên các lĩnh vực. Việc KTNN tham gia vào nhiệm vụ thực hiện giám định về các nội dung chuyên môn liên quan phục vụ yêu cầu giải quyết các vụ án, nhất là án tham nhũng, kinh tế là một giải pháp quan trọng vào việc thúc đẩy giải quyết có hiệu quả các vụ án, vụ việc cần phải có cơ quan chuyên môn làm giám định tư pháp độc lập trong hoạt động tố tụng. Trong thực tế, nhiều trường hợp các cơ quan tư pháp, cơ quan điều tra đề nghị KTNN thực hiện giám định đối với một số vụ việc cụ thể nhưng do chưa có một văn bản pháp luật nào quy định nhiệm vụ KTNN thực hiện việc giám định tư pháp nên KTNN không có cơ sở pháp lý để thực hiện các đề nghị trên.
Do đó, để bảo đảm sự thống nhất và tương thích giữa Luật KTNN; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Giám định tư pháp và các luật có liên quan trong hệ thống pháp luật của Nhà nước; tạo cơ sở pháp lý để KTNN thực hiện nhiệm vụ PCTN, giám định tư pháp về tài chính công, tài sản công, cần quy định vào Luật KTNN theo hướng bổ sung 02 khoản vào Điều 10 như sau:
“6a. Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
6b. Thực hiện giám định tư pháp về tài chính công, tài sản công theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.”
Về quyền xác minh để làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật PCTN
Luật PCTN năm 2018 quy định: KTNN có quyền yêu cầu cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập xác minh tài sản, thu nhập nếu trong quá trình kiểm toán xét thấy cần làm rõ về tài sản, thu nhập có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật. Điều 62 về trách nhiệm xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động kiểm toán quy định: Trong quá trình kiểm toán, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo xác minh, làm rõ vụ việc và xử lý theo quy định của pháp luật PCTN.
Do đó, dự thảo bổ sung quyền xác minh của KTNN tại Khoản 2a Điều 11, đồng thời bổ sung phương pháp “xác minh” tại Khoản 2 Điều 46 của Luật KTNN năm 2015 như sau:
- Khoản 2a Điều 11 “2a. Xác minh hồ sơ, tài liệu và yêu cầu người có liên quan có mặt giải trình để làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện trong quá trình kiểm toán. Tổng Kiểm toán Nhà nước quy định cụ thể các biện pháp xác minh để làm rõ và xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện trong quá trình kiểm toán.
- Khoản 2 Điều 46: “2. Thành viên Đoàn kiểm toán áp dụng phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán để thu thập và đánh giá bằng chứng kiểm toán; kiểm tra, đối chiếu, xác nhận; điều tra và xác minh đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán làm cơ sở cho ý kiến đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán về nội dung đã kiểm toán.”
Bổ sung căn cứ ban hành quyết định kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán
Khoản 4 Điều 60 Luật PCTN quy định: Cơ quan Kiểm toán Nhà nước thông qua hoạt động kiểm toán có trách nhiệm chủ động phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Kiểm toán Nhà nước ra quyết định kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng khi có căn cứ theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước.
Pháp luật hiện hành quy định 03 căn cứ để Tổng KTNN ban hành quyết định kiểm toán (Điều 30 Luật KTNN năm 2015), gồm: (1) Kế hoạch kiểm toán hằng năm của Kiểm toán Nhà nước; (2) Yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; (3) Đề nghị của cơ quan, tổ chức quy định tại Khoản 3 Điều 10 của Luật này và được Tổng Kiểm toán Nhà nước chấp nhận.
Căn cứ các quy định trên đây cho thấy, Pháp luật về PCTN quy định trường hợp KTNN ra quyết định kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng khi có căn cứ theo quy định của Luật KTNN. Do vậy, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật cần quy định bổ sung căn cứ ban hành quyết định kiểm toán trong trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo hướng như sau (bổ sung Khoản 4 Điều 30):
“Điều 30. Căn cứ để ban hành quyết định kiểm toán
Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành quyết định kiểm toán khi có một trong các căn cứ sau đây:
1. Kế hoạch kiểm toán hằng năm của Kiểm toán Nhà nước;”
2. Yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
3. Đề nghị của cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 3 Điều 10 của Luật này và được Tổng Kiểm toán Nhà nước chấp nhận;
4. Có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.”
PV