Được cho nhà để thờ cúng, vẫn bị chia theo quyền thừa kế

Thứ tư, 01/11/2017 06:24
(ThanhtraVietNam)- Xây nhà trên mảnh đất được ông bà cho để thờ cúng tổ tiên, cứ ngỡ cuộc sống sau này của gia đình sẽ bình yên và không gặp rắc rối gì trong việc sở hữu, vì quá trình nhận mảnh đất này từ ông bà cũng đã được chính quyền địa phương xác nhận. Thế nhưng, hiện tại gia đình ông Nguyễn Minh Tân trú tại số 367C, Lê Quang Định, phường 5, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh đang có nguy cơ phải tháo dỡ căn nhà vì bản án của TAND TP HCM trong vụ án “Tranh chấp thừa kế; tranh chấp quyền sở hữu nhà đất”.

Xét xử vụ án tranh chấp sau gần 10 năm thụ lý

Sống cùng bà ngoại từ nhỏ, ông Nguyễn Minh Tân được bà ngoại là Đoàn Thị Lành cho riêng một mảnh đất để cất nhà, nuôi vợ con và trong coi mồ mả tổ tiên sau khi ngoại mất. Trước lúc mất, bà Lành cũng đã làm giấy cam kết cho đất đối với ông Nguyễn Minh Tân và nó thuộc quyền sử dụng của Nguyễn Minh Tân, không liên quan gì đến phần di sản thừa kế cho những người còn lại sau này. Tờ cam kết này được chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Thạnh đóng dấu xác nhận ngày 30/07/1987. Đến năm 1988, bà Lành mất nhưng không để lại di chúc và việc phân chia tài sản thừa kế đã xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến phải kiện ra tòa để nhờ tòa án phân xử, do những người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan muốn gộp căn nhà của ông Nguyễn Minh Tân vào tài sản chung để chia đều theo quyền thừa kế.

“Căn nhà này lúc đó là bà ngoại tôi cho đất cất nhà. Tôi mới đem lên phường rồi lên quận xin giấy phép, sau đó người ta mới cấp giấy phép xây dựng và lập bản vẽ cho tôi. Bây giờ họ muốn gộp căn nhà của tôi vào tài sản chung để chia theo luật thừa kế là không đúng. Tôi cũng không đồng ý yêu cầu này, bởi vì tôi có giấy tờ đàng hoàng chứ tôi có làm giả đâu mà sợ” ông Nguyễn Minh Tân chia sẻ.

leftcenterrightdel

Tờ cam kết cho đất  

Ngày 16/06/2016, TAND TP Hồ Chí Minh đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ kiện “Tranh chấp thừa kế; tranh chấp quyền sở hữu nhà đất”. Được biết vụ án đã được TAND TP HCM thụ lý từ năm 2007 nhưng mãi đến năm 2016 mới được đưa ra xét xử. Như vậy nghĩa là, vụ án này được tòa án xét xử sau gần 10 năm thụ lý?

Tại Tòa, ông Nguyễn Minh Châu- người đại diện theo ủy quyền của cha mình là ông Nguyễn Minh Tân, đã trình bày toàn bộ nguồn gốc căn nhà gia đình ông đang ở và có giấy tờ do chính quyền địa phương xác nhận. Từ những chứng cứ trên ông đề nghị Tòa xem xét, xử độc lập căn nhà số 367C đường Lê Quang Định, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, yêu cầu này của ông Châu đã không được Tòa chấp nhận và buộc gia đình ông phải tháo dỡ căn nhà. Quyết định này nằm trong bản án sơ thẩm số 604/2016/DS-ST của TAND TP Hồ Chí Minh ngày 16/6/2016. Điều khiến ông Châu khó hiểu là căn nhà 367C có địa chỉ rõ ràng, trong giấy phép xây dựng cũng thể hiện nhà ông có địa chỉ là 367C. Tuy nhiên, Tòa lại cho rằng nhà ông là nhà không số, điều này cũng được thể hiện trong bản án?

Tài sản riêng vẫn bị chia theo luật thừa kế?

Không chấp nhận kết quả mà Tòa sơ thẩm tuyên, ông Châu đã kháng cáo lên tòa phúc thẩm. Ngày 17/10/2017, TAND cấp cao tại TP HCM đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án và tuyên y án sơ thẩm, bác toàn bộ nội dung kháng cáo. 

leftcenterrightdel
 Vợ chồng ông Nguyễn Minh Châu

Quá bức xúc với quyết định mà TAND hai cấp 2 sơ thẩm và phúc thẩm tại TP HCM đã tuyên, ngày 27/10/2017 ông Châu đã làm đơn đề nghị xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm gửi đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao.

Ông Châu bức xúc: “Tôi đã nhiều lần đề nghị Tòa xem xét toàn bộ những chứng cứ mà tôi cung cấp để chứng minh căn nhà này thuộc sở hữu của gia đình tôi nhưng  không được  xem xét. Tại sao gia đình tôi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan và việc cho mảnh đất này cũng được chính quyền địa phương xác lập mà Tòa vẫn không chấp nhận? Nếu bà tôi đã cho thì đó là tài sản của gia đình tôi tại sao lại đem chia theo luật thừa kế?!”.

Trong đơn đề nghị ông Châu cũng cho rằng, Tòa án cấp phúc thẩm chưa đánh giá được đầy đủ chứng cứ có trong hồ sơ và toàn diện sự thật khách quan của vụ án, bao gồm các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu của cha mình là ông Nguyễn Minh Tân đối với căn nhà trên. Đặc biệt là tờ cam kết cho đất của bà Đoàn Thị Lành có đóng dấu xác nhận của chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Thạnh. Vì đây là chứng cứ quan trọng nhất chứng minh phần đất trên thuộc quyền sử dụng của ông Nguyễn Minh Tân, không liên quan gì đến phần di sản thừa kế cho những người còn lại.

Trong thời gian sử dụng, gia đình ông cũng thực hiện kê khai nộp thuế nhà đất theo đúng quy định của pháp luật. Ngày 14/12/1987, trong Giấp phép xây dựng số 306/GP-XD  của phòng Xây dựng quận Bình Thạnh có nêu ra căn cứ: Sự đồng ý của UBND quận trong văn bản số 135/PXD ngày 3/10/1987 của phòng Xây dựng và Công văn số 2108 ngày 28/10/1987 của UBXD cơ bản Thành phố lúc đó cấp phép sử dụng đất xây dựng nhà ở cho ông Nguyễn Minh Tân. Tất cả các căn cứ nêu trên chứng minh một điều, nhà và đất ở có diện tích 48m2 tọa lạc tại số 367C Lê Quang Định, phường 5, quận Bình Thạnh, TP HCM không phải là di sản thừa kế do ông Võ Văn Mén và bà Đoàn Thị Lành để lại mà đã thuộc quyền sử dụng của ông Nguyễn Minh Tân do có nguồn gốc tự xây dựng trên phần đất do bà ngoại của ông Tân là bà Lành cho vào năm 1987 và sau đó về ở cho đến thời điểm hiện tại.

Chu Loan – Hoài Linh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra