Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có thể bị cách chức

Thứ hai, 17/02/2020 14:10
(ThanhtraVietNam) – Theo quy định tại Điều 28, Nghị định 19/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (VPHC), xử lý kỷ luật người có thẩm quyền, trách nhiệm trong thi hành pháp luật về xử lý VPHC (Nghị định 19) vừa được ban hành, cán bộ có hành vi giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có thể bị cách chức.

Nghị định 19 nhằm xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về xử lý VPHC; động viên, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện pháp luật về xử lý VPHC; phát hiện những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sai sót, vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý VPHC để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, khắc phục.

Bên cạnh đó, phòng, chống, ngăn chặn các vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý VPHC; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật nhăm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về xử lý VPHC. Đồng thời, phát hiện các quy định chưa thống nhất, đồng bộ hoặc chưa phù hợp với thực tiễn để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về xử lý VPHC hoặc các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Theo Điều 8, nghị định 19, Đoàn kiểm tra được thành lập để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra theo quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền. Đoàn kiểm tra được thành lập theo hình thức liên ngành, trừ trường hợp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý người có thẩm quyền xử phạt VPHC thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý VPHC thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý của mình. Đoàn kiểm tra phải có từ 05 thành viên trở lên.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Điều 9 của Nghị định nêu rõ đoàn kiểm tra có quyền yêu cầu đối tượng được kiểm tra trực tiếp làm việc hoặc cử người đại diện làm việc với đoàn kiểm tra; yêu cầu đối tượng được kiểm tra cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ, tài liệu và giải trình những vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm tra; trường hợp cần thiết, có thể yêu cầu đối tượng được kiểm tra cung cấp tang vật, phương tiện vi phạm phục vụ cho công tác xác minh; trường hợp cần thiết, đoàn kiểm tra có thể tiến hành xác minh để làm rõ các vấn đề liên quan đến nội dung kiểm tra.

Nội dung kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành; việc xây dựng và tiến độ, kết quả triển khai kế hoạch quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC; tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xử lý VPHC; kết quả theo dõi chung tình hình thi hành pháp luật về xử lý VPHC; tổ chức công tác phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ; việc bố trí nguồn lực và các điều kiện khác để bảo đảm cho việc thi hành pháp luật xử lý VPHC; tổng số người có thẩm quyền xử phạt VPHC theo từng chức danh tại cơ quan, đơn vị; việc thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về xử lý VPHC; việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về xử lý VPHC và cung cấp thông tin để tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia và việc thực hiện trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện và áp dụng pháp luật về xử lý VPHC, pháp luật khác có liên quan đến xử lý VPHC.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc hoạt động kiểm tra, đoàn kiểm tra dự thảo kết luận kiểm tra và gửi cho đối tượng được kiểm tra để lấy ý kiến đối với các nội dung trong dự thảo kết luận kiểm tra. Kết luận kiểm tra phải có các nội dung: Kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại hạn chế; xác định rõ sai phạm, tính chất, mức độ sai phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân sai phạm; kiến nghị xử lý sai phạm và việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân sai phạm; thời hạn thông báo kết quả việc thực hiện kết luận kiểm tra.

Đáng chú ý, tại Điều 28 nêu rõ, hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với cán bộ có một trong các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý VPHC sau đây: Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý VPHC; sử dụng tiền thu được từ tiền nộp phạt VPHC, tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt tiền, tiền bán, thanh lý tang vật, phương tiện VPHC bị tịch thu và các khoản tiền khác thu được từ xử phạt VPHC trái quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt VPHC, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

Các hành vi vi phạm: chống đối, cản trở người làm nhiệm vụ kiểm tra, đe dọa, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm tra, đoàn kiểm tra, gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra; ban hành trái thẩm quyền văn bản quy định về hành vi VPHC; về thẩm quyền, thủ tục, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi VPHC trong lĩnh vực quản lý nhà nước và biện pháp xử lý hành chính; không thực hiện kết luận kiểm tra và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người VPHC khi xử lý VPHC cũng sẽ bị cách chức.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 31 tháng 3 năm 2020. Các quy định về xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý VPHC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020./.

Lan Anh

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra