Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả truyền thông pháp luật

Thứ năm, 15/06/2023 09:03
(ThanhtraVietNam) - Việc truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật không những nhằm đảm bảo thực hiện quyền làm chủ của người dân trong tham gia xây dựng pháp luật theo nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" mà có ý nghĩa hết sức quan trọng củng cố, xây dựng niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII về phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân.

Truyền thông pháp luật là một phần trong hoạt động của Chính phủ nhằm đưa thông tin về pháp luật đến người dân, thuyết phục họ thay đổi nhận thức và hành vi đúng pháp luật, là kênh để Chính phủ lấy ý kiến nhân dân khi xây dựng pháp luật mới, điều chỉnh pháp luật hiện tại, tạo ra sự đồng thuận xã hội. Nhận thức rõ vai trò của truyền thông pháp luật sẽ giúp Chính phủ và các nhà truyền thông có chiến lược phù hợp, xây dựng sự đồng thuận xã hội.

Theo Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027" đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, từ năm 2023, 100% chính sách có tác động lớn đến xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án được truyền thông từ khi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đến khi thông qua, ban hành văn bản.

Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 2013 tại Điều 25 quy định: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền tiếp cận thông tin…". Có thể khẳng định rằng, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tiếp cận thông tin là nền tảng đảm bảo cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tạo khả năng lên tiếng của người dân, cho phép người dân tham gia vào hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Thông qua truyền thông dự thảo chính sách, nhiều phản ánh, ý kiến của người dân được ghi nhận kịp thời để hoàn thiện dự thảo, qua đó đáp ứng nhu cầu, mong muốn, nguyện vọng chính đáng của người dân.

leftcenterrightdel
 Truyền thông chính sách tạo sự đồng thuận xã hội. Ảnh minh hoạ

Chính phủ và Quốc hội luôn coi trọng công tác truyền thông pháp luật với phương châm truyền thông phải đi trước một bước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội; mọi hoạt động của Chính phủ, của các cơ quan Nhà nước đều phải công khai, minh bạch để người dân được biết, trừ những nội dung mật theo quy định. Quan điểm này nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo phát triển, lấy người dân làm trung tâm, đảm bảo phục vụ tối đa lợi ích của người dân và doanh nghiệp - được coi là phương thức cơ bản để người dân được "hưởng dụng quyền dân chủ của mình". 

Hiện nay, hoạt động truyền thông pháp luật và công nghệ thông tin của ngành tư pháp bước đầu được quan tâm, đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, chủ động, hiệu quả hơn. Đã thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách, thông qua website, cổng thông tin điện tử... đã cập nhật văn bản pháp luật khá kịp thời và tiếp nhận các ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh các kênh chính thống như Cổng Thông tin điện tử, họp báo, hội thảo, tọa đàm, nhiều kênh truyền thông mới được đưa ra, như hợp tác với Đài Truyền hình Việt Nam, Tạp chí Thanh tra, báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ pháp luật, Cổng thông tin PBGDPL quốc gia,… tham gia các chương trình đối thoại, diễn đàn, phỏng vấn về các vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật của ngành tư pháp. Từ đó, giúp tăng niềm tin của người dân, các nhà đầu tư với những chính sách, biện pháp của ngành tư pháp.

Tuy nhiên, công tác truyền thông pháp luật trên thực tế còn những tồn tại, hạn chế như:

Thứ nhất, chưa có mô hình tổ chức đơn vị chuyên trách về truyền thông pháp luật cho các cơ quan Nhà nước. Trong cơ quan Nhà nước, mô hình tham mưu này mới chỉ dừng về công tác truyền thông chung chung chứ chưa sâu, chưa chuyên nghiệp về truyền thông pháp luật và công nghệ thông tin

Bộ phận truyền thông hiện đang được tổ chức theo các cách thức khác nhau, chưa gắn với công tác đổi mới phổ biến, giáo dục pháp luật trong điều kiện mới của cách mạng khoa học công nghệ 4.0 và yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội hiện nay còn phụ thuộc vào nhận thức của lãnh đạo.

Thứ hai, hoạt động truyền thông pháp luật còn thiếu chủ động, chưa có chiến lược, kế hoạch và thiếu tính chuyên nghiệp. Với ba cấp độ cơ bản (cấp độ 1: chỉ cung cấp thông tin trên các phương tiện cơ bản; cấp độ 2: quan hệ với báo chí, làm việc với báo chí; cấp độ 3: có chiến lược truyền thông), đa số các cơ quan chỉ dừng lại ở cấp độ 2. Do chưa được tư vấn chuyên nghiệp, bài bản có kế hoạch truyền thông nên chưa tận dụng được tối đa sức mạnh truyền thông để hỗ trợ cho hoạt động, chưa có những báo cáo tổng kết, đánh giá toàn diện.

Thứ ba, công tác truyền thông pháp luật còn mang tính một chiều, thiếu sự tương tác, tiếp nhận thông tin phản hồi từ xã hội chậm, chủ yếu là theo cách thụ động, chưa bài bản, chưa có tổ chức tư vấn cung cấp dịch vụ tại các cơ quan tư pháp, mặc dù nhu cầu quản lý nhà nước hiện nay đòi hỏi chuyên nghiệp, bài bản.

Tổ chức, nhân lực làm công tác truyền thông pháp luật chưa được chú ý phát triển để cung cấp dịch vụ công cho việc ban hành chính sách, đặc biệt là truyền thông pháp luật và công nghệ thông tin chính sách, kỹ năng sử dụng các phương tiện, công cụ truyền thông pháp luật và công nghệ thông tin hiện đại.

Thứ tư, tài chính cho hoạt động truyền thông pháp luật còn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, chưa tiến hành huy động xã hội hoá trong hoạt động này. Định mức chi cho các hoạt động chưa cao nên khó có thể phát triển các nội dung thông tin, truyền thông pháp luật và công nghệ thông tin theo hướng đa phương tiện, phong phú và hấp dẫn.

Một số giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả truyền thông pháp luật  

Qua thực trạng tổ chức và hoạt động truyền thông pháp luật hiện nay, có thể đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả truyền thông pháp luật như sau:

Một là, đổi mới tổ chức và hoạt động truyền thông pháp luật trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc tại các bộ, ban, ngành trong cơ quan Nhà nước nhằm khắc phục bất cập, hạn chế và phát huy vai trò của đơn vị trong thực hiện quản lý các lĩnh vực quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Hai là, thành lập một đơn vị tham mưu quản lý nhà nước chuyên trách, độc lập về truyền thông pháp luật để nâng cao tính chủ động, độc lập, chuyên nghiệp trong tham mưu, thực hiện quản lý nhà nước về phôt biến, giáo dục pháp luật.

Ba là, đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị đơn vị, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công để tiến hành truyền thông pháp luật đáp ứng yêu cầu của xã hội; đảm bảo tự chủ về nguồn thu và quản lý nguồn thu./.

TS. Chuyên viên chính Trần Văn Duy - Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp
ThS. Thẩm tra viên chính Lê Thị Thu - Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra