Theo đó, Quy định chi tiết về nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Việc cưỡng chế phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật. Trước khi tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế phải thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục và thuyết phục các bên tranh chấp liên quan tự nguyện chấp hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực pháp luật.
Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính. Không thực hiện cưỡng chế trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau; các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; trong thời gian mười lăm ngày trước và sau Tết Nguyên đán; các ngày truyền thống đối với các đối tượng chính sách nếu họ là người bị cưỡng chế và các trường hợp đặc biệt khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phong tục, tập quán tại địa phương.
Cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện khi có đủ các điều kiện: Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực thi hành theo quy định của pháp luật mà bên có nghĩa vụ phải thực hiện quyết định không tự nguyện chấp hành, mặc dù đã được Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất tranh chấp vận động, thuyết phục mà không chấp hành.
Công trình vi phạm phải được cưỡng chế theo quy định. Ảnh minh họa: PV&BT
Cũng theo nội dung quy định, Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, nhà văn hóa, thôn, xóm, làng, bản, tổ dân phố nơi có đất tranh chấp. Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực thi hành. Người bị cưỡng chế đã nhận được Quyết định cưỡng chế. Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản về việc giao nhận quyết định cưỡng chế.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực pháp luật trên địa bàn đơn vị hành chính thuộc phạm vi quản lý khi các bên hoặc một trong các bên tranh chấp không chấp hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai; tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại liên quan đến việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và tổ chức thực hiện cưỡng chế theo nhiệm vụ phân công và theo quy định của pháp luật.
Cơ quan Công an cấp huyện có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế; xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự trong quá trình cưỡng chế, thống nhất với Ban thực hiện cưỡng chế các phương án bảo vệ; kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an toàn cho người, tài sản của nhà nước và của công dân trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế.
Trong khi đó, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thi hành quyết định cưỡng chế có trách nhiệm phối hợp với Ban thực hiện cưỡng chế, cơ quan, đơn vị có liên quan vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế; tổ chức thực hiện việc giao, niêm yết công khai quyết định cưỡng chế; tham gia thực hiện cưỡng chế, phối hợp thực hiện di chuyển tài sản, bảo quản và lưu giữ tài sản theo nhiệm vụ được phân công và theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chủ trì thực hiện cưỡng chế, Ban thực hiện cưỡng chế khi có yêu cầu.
Đoàn Cần