Theo đó, lãnh đạo VKS các cấp được phân công phụ trách công tác Kiểm sát và giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp cần thường xuyên quan tâm đến việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, giải quyết KNTC và kiểm sát việc giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền. Trực tiếp chỉ đạo giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền và trực tiếp kiểm sát việc giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp tại cơ quan tư pháp khác. Cụ thể:
Về công tác tiếp công dân:
Thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Tiếp công dân và các quy định của Ngành về công tác tiếp công dân, lãnh đạo VKS các cấp thực hiện tiếp công dân theo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của việc giải quyết KNTC. Đơn vị kiểm sát và giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp (đơn vị 12) chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân của lãnh đạo VKS; các đơn vị nghiệp vụ khác đề xuất lãnh đạo VKS tiếp công dân phục vụ việc giải quyết đơn thuộc trách nhiệm của đơn vị mình thì phải phối hợp với đơn vị 12 để xây dựng kế hoạch thực hiện theo quy định tại Quy chế số 51.
Trường hợp có khiếu kiện đông người tại địa điểm tiếp công dân, Đơn vị 12 phải kịp thời báo cáo lãnh đạo Viện phụ trách về nội dung vụ việc khiếu kiện để có biện pháp xử lý; trường hợp vụ việc phức tạp, có yếu tố chính trị, Viện trưởng phải trực tiếp chỉ đạo, không để xảy ra hậu quả tiêu cực do thiếu sót trong công tác tiếp công dân.
Về công tác tiếp nhận, quản lý, xử lý đơn:
Đơn vị 12 của Viện kiểm sát các cấp phải phân loại chính xác, xử lý kịp thời các đơn đã tiếp nhận, chuyển ngay đến đơn vị nghiệp vụ khác hoặc thụ lý để giải quyết đơn thuộc thẩm quyền, không để ảnh hưởng thời hạn giải quyết; đồng thời, quản lý, đôn đốc việc giải quyết.
Khi tiếp nhận đơn KNTC trong tố tụng hình sự, Đơn vị 12 phải phân loại đơn đảm bảo chính xác, xử lý kịp thời, tránh để xảy ra sai sót, chậm trễ, ảnh hưởng đến việc giải quyết KNTC thuộc thẩm quyền. Khi nhận được khiếu nại cáo trạng, quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, Đơn vị 12 chuyển đến đơn vị nghiệp vụ của cấp mình hoặc Viện kiểm sát đã ban hành quyết định đó để xem xét theo hồ sơ vụ án và ban hành công văn trả lời trong trường hợp cần thiết.
Bà Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao
tiếp công dân ngày 26/12/2017 (ảnh vksndtc.gov.vn)
Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền:
Trường hợp KNTC về vụ việc có oan, sai, phức tạp, kéo dài; do các cơ quan Trung ương Đảng, Quốc hội, cơ quan giám sát yêu cầu xem xét, giải quyết hoặc vụ việc KNTC dư luận quan tâm thì lãnh đạo VKS có thẩm quyền phải trực tiếp xem xét, chỉ đạo giải quyết, tham gia đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại. Nếu Viện trưởng không trực tiếp phụ trách thì Phó Viện trưởng phụ trách phải báo cáo với Viện trưởng để có quan điểm giải quyết chính thức của Viện kiểm sát cấp mình khi ban hành quyết định, kết luận giải quyết. Trường hợp KNTC phức tạp, Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết cần báo cáo thỉnh thị VKS cấp trên trực tiếp về lĩnh vực liên quan để được chỉ đạo giải quyết, hạn chế khiếu kiện vượt cấp.
Về công tác kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật:
Đối với đơn đề nghị kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật đủ điều kiện xem xét theo Điều 14 Quy chế số 51, Đơn vị 12 thuộc VKS cấp có thẩm quyền báo cáo, đề xuất lãnh đạo Viện phụ trách về việc thụ lý; chủ động nghiên cứu hồ sơ, phối hợp thực hiện quy trình kiểm tra, có quan điểm độc lập đánh giá, trao đổi với đơn vị nghiệp vụ liên quan báo cáo lãnh đạo để có quan điểm kết luận thống nhất của VKS cấp mình.
Về công tác kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp:
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp, VKS các cấp thực hiện nghiêm quy định tại Điều 17 Quy chế số 51, đơn vị chủ trì kiểm sát thực hiện việc chuyển đơn, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, khi phát hiện vi phạm, chủ động áp dụng biện pháp kiểm sát phù hợp, nếu cần thiết, đề ra yêu cầu phối hợp với đơn vị nghiệp vụ liên quan. Chú trọng kiểm sát giải quyết vụ việc để phát hiện vi phạm và ban hành kiến nghị, kháng nghị phù hợp.
Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định người đứng đầu Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Do vậy, đối tượng của công tác kiểm sát đã được mở rộng hơn so với trước đây, VKS các cấp cần theo dõi việc tiếp nhận, giải quyết KNTC trong tố tụng hình sự của các cơ quan này để thực hiện kiểm sát.
Biện pháp kiểm sát trực tiếp việc giải quyết KNTC chỉ tiến hành trong tố tụng hình sự và thi hành án hình sự; kết thúc kiểm sát, Viện kiểm sát phải ban hành kết luận theo mẫu kèm Quyết định số 204/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao; qua kiểm sát trực tiếp, trong trường hợp xác định có vi phạm thì ban hành kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.
Căn cứ theo Hướng dẫn này, các VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh xây dựng Chương trình, nhiệm vụ trọng tâm công tác Kiểm sát và giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp năm 2018 để tổ chức thực hiện; VKSND cấp tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn đối với VKSND cấp huyện./.
Hoàng Minh