Thông tư quy định, bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức là việc bảo vệ công việc gắn với chức danh, chức vụ, vị trí việc làm của cán bộ, công chức; công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý của viên chức trong quá trình giải quyết tố cáo.
Về thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ, Thông tư nêu rõ, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được người có thẩm quyền giải quyết tố cáo yêu cầu hoặc đề nghị thực hiện biện pháp bảo vệ vị trí công tác của họ trong trường hợp người tố cáo đó không thuộc thẩm quyền quản lý của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
Tổ chức, đơn vị làm công tác tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện biện pháp bảo vệ vị trí công tác có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với tổ chức công đoàn, ban thanh tra nhân dân và các tổ chức khác cùng cấp trong việc thực hiện bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo.
Liên quan tới biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Tố cáo.
Mặt khác, thực hiện việc điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí việc làm, phân công công việc khác đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ. Tuy nhiên việc này được loại trừ trong các trường hợp: thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của Nghị định số 59/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; được sự đồng ý của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức; theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
Thông tư cũng nêu rõ, không xử lý kỷ luật người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ, trừ trường hợp người đó có hành vi vi phạm không liên quan đến lĩnh vực tố cáo.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/9.
Lan Anh