Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ đã nội luật hóa cam kết quốc tế về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại Hiệp định CPTPP bao gồm: Tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm và hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm; bổ sung cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được tham gia các tổ chức xã hội – nghề nghiệp về kinh doanh bảo hiểm, quy định đối tượng, trách nhiệm, điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ trong nước và qua biên giới; việc quản lý, giám sát trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm. Điều này đáp ứng yêu cầu của thực tiễn thị trường trong nước; hoàn chỉnh đầy đủ các yếu tố của thị trường bảo hiểm bao gồm: kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm; trung gian bảo hiểm (gồm đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm) và dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Ngày 01/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21/3/2018 của Chính phủ.
Ngày 16/9/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 65/2019/Tt-BTC quy định nội dung đào tạo, thi, cấp, công nhận chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm.
1. Các tác động của chính sách về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm đến thị trường bảo hiểm Việt Nam
a) Tác động đối với xã hội
- Đảm bảo cơ sở pháp lý để điều chỉnh các quan hệ xã hội và tương thích với các cam kết quốc tế.
- Môi trường pháp lý minh bạch, rõ ràng và chất lượng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được kiểm soát dẫn tới môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước gia nhập thị trường.
- Đảm bảo tính thống nhất trong quản lý các hoạt động của thị trường bảo hiểm, hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm Việt Nam, gắn liền việc quản lý, giám sát các hoạt động kinh doanh bảo hiểm cốt lõi và dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trong tổng thể thị trường.
- Tăng cường hình ảnh tích cực về thị trường bảo hiểm và lòng tin của người tham gia bảo hiểm; kích thích nhu cầu sử dụng dịch vụ; thu hút sự tham gia của người dân vào một thị trường bảo hiểm an toàn, lành mạnh; đảm bảo an toàn hơn về tài chính, tăng tính ổn định và niềm tin cho các nhà đầu tư.
b) Tác động đối với đối tượng cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm
- Thị trường dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được mở rộng do nhận thức của khách hàng về vai trò của dịch vụ phụ trợ được tăng cường, Nhà nước bảo đảm sự phát triển lành mạnh, chuyên nghiệp hóa, đa dạng hóa dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
- Bảo đảm quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm thông qua việc tham gia tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
- Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch để cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, phát huy tiềm năng, năng lực của các doanh nghiệp này.
c) Tác động đối với đối tượng sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm
- Tối ưu hóa nguồn lực, chi phí khi sử dụng các hoạt động thuê ngoài; đồng thời góp phần chuyên nghiệp hóa các khâu của quá trình kinh doanh bảo hiểm.
- Các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được bảo đảm quyền lợi do chất lượng nguồn nhân lực dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được chuẩn hóa, đối tượng cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, ứng xử nghề nghiệp, quy trình nghiệp vụ; tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, tôn trọng quyền và lợi ích của khách hàng. Đồng thời, thu được lợi ích kinh tế từ việc hiểu biết về rủi ro và bảo hiểm, quản trị tốt hơn về rủi ro giúp tiết kiệm chi phí, lựa chọn được sản phẩm bảo hiểm phù hợp; ổn định sản xuất kinh doanh; thu lợi ích từ việc giảm thiểu rủi ro, đề phòng hạn chế tổn thất..
2. Luật tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được tham gia hoạt động cung ứng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, khuyến khích phát triển thị trường phụ trợ bảo hiểm
Các quy định của Luật được thiết kế phù hợp với chủ trương đổi mới trong phương thức quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, giúp doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm, cụ thể:
a) Luật không hạn chế quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm
Trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng về năng lực và điều kiện cung cấp, Luật cho phép tất cả các tổ chức có tư cách pháp nhân đáp ứng điều kiện có thể thực hiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Cá nhân được cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm độc lập.
Cá nhân không bị hạn chế quyền đầu tư, kinh doanh đối với 4 dịch vụ phụ trợ bảo hiểm còn lại, có thể thực hiện thông qua tổ chức dưới các hình thức như là chủ đầu tư, tham gia góp vốn thành lập các tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, là nhân viên của các tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Các tổ chức không có tư cách pháp nhân cũng không bị hạn chế quyền đầu tư, kinh doanh, được thực hiện dưới tư cách cá nhân như đã nêu ở trên.
b) Luật không quy định điều kiện về đăng ký, cấp giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp mà chỉ đưa ra điều kiện để làm cơ sở cho cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện hậu kiểm.
Để đảm bảo chất lượng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, cần phải được bảo đảm bằng các điều kiện hoạt động cụ thể.
Nội dung của Luật thể hiện việc chuẩn hoá các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trên tinh thần mở cửa, nhưng có sự kiểm soát bằng điều kiện năng lực chuyên môn. Luật không quy định điều kiện về đăng ký, cấp giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp mà chỉ đưa ra điều kiện để làm cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hậu kiểm. Quy định này phù hợp với chủ trương đổi mới trong phương thức quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, giúp doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
c) Khuyến khích tham gia tổ chức, xã hội - nghề nghiệp
Qua tham khảo kinh nghiệm một số nước (như Anh, Mỹ, Nhật, Pháp, Úc...) cho thấy, các nước này đều ghi nhận quyền tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp đại diện bảo vệ quyền lợi cho các chủ thể tham gia kinh doanh trong lĩnh vực này, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng cơ chế chính sách, đảm bảo chất lượng hoạt động, cạnh tranh lành mạnh thông qua việc ban hành thống nhất các quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp, quy trình nghiệp vụ; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo hiểm và phụ trợ bảo hiểm.
d) Đưa ra quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm để phát triển thị trường bảo hiểm chuyên nghiệp và bảo đảm chất lượng
Nhằm phát triển thị trường dịch vụ phụ trợ bảo hiểm một cách chuyên nghiệp và bài bản, bảo đảm an toàn tài chính đối với thị trường bảo hiểm, bảo vệ quyền, lợi ích của người tham gia bảo hiểm, chất lượng việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam của cá nhân, tổ chức nước ngoài, Luật và Nghị định đã quy định tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải xây dựng, ban hành tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm và các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải xây dựng, triển khai và giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn lựa chọn, sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, đối với cả đối tượng cung cấp trong nước và nước ngoài.
e) Luật không phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Điều này sẽ tạo môi trường pháp lý bình đẳng, ổn định cho nhà đầu tư nước ngoài hoạt động, giúp nâng cao chất lượng của dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trong nước, đáp ứng Nguyên tắc Đối xử Quốc gia (NT) trong Hiệp định CPTPP. Việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới được quy định tại Luật và quy định chi tiết tại Nghị định số 80/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Quy định điều kiện, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được áp dụng chung cho nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
3. Về quản lý và giám sát, xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Cơ chế quản lý, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được quy định tại khoản 10 Điều 1 Luật số 42/2019/QH14, trên tinh thần không quy định về cấp phép mà chỉ thực hiện hậu kiểm.
Nội dung quản lý, giám sát bao gồm: Việc đáp ứng về điều kiện, nguyên tắc, trách nhiệm khi cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực phụ trợ, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm. Nội dung cụ thể về quản lý, giám sát dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 80/2019/NĐ-CP của Chính phủ, bao gồm:
- Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm: Giám sát thông qua công tác tiền kiểm (cấp phép) và hậu kiểm (giám sát hoạt động tài chính, nghiệp vụ, quản trị rủi ro, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính).
- Đối với tổ chức khác cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm: giám sát thông qua công tác hậu kiểm (chế độ báo cáo, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính).
- Đối với cá nhân: quản lý việc thi, cấp, công nhận chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm; nội dung chương trình đào tạo.
- Đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài: Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quản lý, giám sát thông qua tiền kiểm (qua phương thức cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, hoặc hợp tác với tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại Việt Nam; kiểm soát về điều kiện, tiêu chuẩn) và hậu kiểm (chế độ báo cáo; thanh tra, kiểm tra việc sử dụng của các tổ chức cung cấp trong nước, xử lý vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài).
4. Lý do bổ sung dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện vào Phụ lục 4 Luật Đầu tư tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ
Bổ sung dịch vụ phụ trợ bảo hiểm vào danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện do:
- Tương đồng với quy định các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc hoạt động kinh doanh bảo hiểm đang được quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư, bao gồm: kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm.
- Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có tác động đến an toàn xã hội (đáp ứng quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Điều 7 của Luật Đầu tư) ảnh hưởng đến quyền, lợi ích các bên liên quan như:
+ Phí bảo hiểm, trích lập dự phòng, khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm.
+ Việc bồi thường, chi trả tiền bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm.
+ Việc chấp nhận bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, quyền lợi của bên mua bảo hiểm.../.
Lan Anh