Một là, sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN tại doanh nghiệp khác, trong đó:
Việc chuyển nhượng vốn nhà nước phải đúng tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp theo giai đoạn do Thủ tướng Chính phủ ban hành; không thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực được Nhà nước đầu tư bổ sung vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần,vốn góp của Nhà nước quy định tại Điều 12 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP; chuyển nhượng vốn DNNN đầu tư ra ngoài phải gắn với đề án tái cơ cấu DNNN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định trên cơ sở đề án tái cơ cấu DNNN chung do Thủ tướng Chính phủ ban hành trong từng giai đoạn (hiện tại là Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 phê duyệt Đề án tái cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020).
Việc chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN tại công ty cổ phần không phải là chào bán thêm cổ phần ra công chúng và không áp dụng quy định về điều kiện chào bán, đăng ký chào bán chứng khoán (cổ phiếu) đối với công ty đại chúng.
Việc chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN tại ngân hàng thương mại theo quy định tại Nghị định này, đối với người nhận chuyển nhượng trước khi trở thành người sở hữu phần vốn nhà nước/vốn của DNNN chuyển nhượng tại các ngân hàng thương mại cổ phần phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của Ngân hàng nhà nước. Chủ sở hữu có vốn chuyển nhượng chịu trách nhiệm công khai đầy đủ các thông tin về điều kiện theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng cho nhà đầu tư biết khi thực hiện chuyển nhượng vốn tại các ngân hàng thương mại cổ phần.
Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp khi cơ quan đại diện chủ sở hữu/ DNNN thực hiện chuyển nhượng vốn phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn thực góp trong vốn điều lệ tại doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc mở, sử dụng tài khoản vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến mua cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty của DNNN, cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm giải quyết những tồn tại vướng mắc, khiếu nại, tố cáo liên quan đến quá trình thực hiện chuyển nhượng vốn nước theo thẩm quyền theo quy định của pháp luật hiện hành.
Hai là, sửa đổi, bổ sung quy định về xác định giá khởi điểm khi thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN đầu tư tại doanh nghiệp khác:
Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi quy định về việc xác định giá khởi điểm đấu giá chuyển nhượng vốn tại dự thảo Nghị định (so với quy định của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP thì tính thêm giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê vào giá khởi điểm vì người sử dụng đất thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê có các quyền đầy đủ như đất giao theo quy định của pháp luật về đất đai), nội dung sửa đổi cụ thể như sau:
Việc xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn được thực hiện thông qua doanh nghiệp có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thẩm định giá, đảm bảo xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước/của doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác bao gồm cả giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao, quyền sử dụng đất thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai và giá trị các quyền sở hữu trí tuệ (nếu có) của doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật tại thời điểm chuyển nhượng vốn.
Việc sử dụng giá khởi điểm để thực hiện chuyển nhượng vốn theo các phương thức quy định tại Nghị định này phải đảm bảo nguyên tắc tối đa không quá 06 (sáu) tháng kể từ thời điểm chứng thư thẩm định giá có hiệu lực đến ngày công bố trúng giá chuyển nhượng vốn.
Ba là, sửa đổi, bổ sung quy định về phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN đầu tư tại doanh nghiệp khác:
Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 02/02/2017 và Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017, quá trình rà soát các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan đến chuyển nhượng vốn và thực tiễn quá trình thoái vốn nhà nước/vốn của DNNN tại các doanh nghiệp khác, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Nghị định quy định mới theo tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị số 04/CT-TTg và Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ nêu trên để phù hợp với quy định của pháp luật về chứng khoán, đảm bảo nguyên tắc hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, chính sách phát triển thị trường chứng khoán. Theo đó, Bộ Tài chính đã nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nội dung đã quy định tại Điều 38 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP theo hướng như sau:
Đối với chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn DNNN tại công ty cổ phần đã niêm yết cổ phiếu hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán (sửa đổi khoản 4 Điều 38 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP)
Căn cứ vào tình hình thực tế, việc chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN tại công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán được phân thành 02 trường hợp, cụ thể:
Đối với cổ phần thuộc vốn nhà nước/vốn của DNNN đã lưu ký chứng khoán thì việc chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần thực hiện theo phương thức khớp lệnh, thỏa thuận trên hệ thống giao dịch hoặc tổ chức bán đấu giá công khai ngoài hệ thống giao dịch.
Đối với cổ phần thuộc vốn nhà nước/vốn của DNNN chưa lưu ký chứng khoán thì việc chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần thực hiện theo phương thức thỏa thuận hoặc bán đấu giá công khai ngoài hệ thống giao dịch.
Quy trình thực hiện bán thỏa thuận, bán đấu giá cổ phần thuộc vốn nhà nước/vốn của DNNN thực hiện tương tự quy định áp dụng đối với việc chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán theo phương thức đấu giá, phương thức thỏa thuận.
Các quy định về thủ tục và việc công bố thông tin trước khi bán thỏa thuận hoặc bán đấu giá cổ phần vốn nhà nước/vốn của DNNN ngoài hệ thống giao dịch và chuyển quyền sở hữu đối với phần vốn nhà nước/vốn của DNNN đã được chuyển nhượng sang các tổ chức, cá nhân khác thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán và quản lý thị trường chứng khoán.
Đối với chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn DNNN tại công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán
Trên cơ sở quy định tại Điều 21 và Điều 39 của Luật số 69/2014/QH13, Bộ Tài chính đã điều phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN đầu tư tại công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán (sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 5 Điều 38 của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP) theo hướng như sau:
Phương thức đấu giá công khai bao gồm đấu giá thông thường (nhà đầu tư tham gia đấu giá không bị hạn chế số lượng đặt mua phần vốn nhà nước/vốn của DNNN chuyển nhượng tại cuộc đấu giá) và đấu giá theo lô (nhà dầu tư tham gia đấu giá phải đặt mua toàn bộ số lượng vốn nhà nước/vốn của DNNN chuyển nhượng tại cuộc đấu giá).
Cơ quan đại diện chủ sở hữu/DNNN ký hợp đồng thuê trung tâm dịch vụ, doanh nghiệp có chức năng đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản, Sở giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán (sau đây gọi là tổ chức đấu giá) để thực hiện bán cổ phần do mình sở hữu, chuyển nhượng vốn đã đầu tư tại công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán theo phương thức đấu giá công khai.
Cuộc đấu giá được tổ chức tại trụ sở của tổ chức đấu giá, doanh nghiệp cổ phần hoặc địa điểm khác theo thỏa thuận của chủ sở hữu có vốn chuyển nhương và tổ chức đấu giá.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu và tổ chức đấu giá có trách nhiệm ban hành quy chế đấu giá cổ phần, hồ sơ đấu giá để tổ chức thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN; quy chế áp dụng cho phiên đấu giá phải đảm bảo quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, tuân thủ quy định của pháp luật về đấu giá tài sản, phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại tài sản chuyển nhượng - vốn đầu tư tại doanh nghiệp; quy định rõ trách nhiệm của các bên có liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN.
Trường hợp đấu giá công khai không thành công, việc chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN đầu tư tại công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán chuyển sang thực hiện theo phương thức chào bán cạnh tranh (không thực hiện đấu giá lại).
Về phương thức chào bán cạnh tranh
Quy định hiện hành về bán cổ phần, chuyển nhượng cổ phần của Luật Doanh nghiệp 2014 và các văn bản có liên quan đến quản lý công ty cổ phần, không có quy định phương thức chào bán cạnh tranh cổ phần. Trên cơ sở tuân thủ quy định về nguyên tắc chuyển nhượng vốn của Luật số 69/2014/QH13, Bộ Tài chính đã dự thảo quy định về chào bán cạnh tranh theo hướng:
Chào bán cạnh tranh là phương thức chào bán cạnh tranh về giá nhằm tìm kiếm nhà đầu tư để thực hiện mục tiêu bán hết số lượng cổ phần tương ứng với số vốn đã đầu tư tại công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, sau khi đã thực hiện phương thức bán đấu giá công khai (bao gồm cả đấu giá theo lô) nhưng không thành công hoặc không bán hết số lượng cổ phần cần bán.
Việc tổ chức thực hiện chào bán cạnh tranh, nguyên tắc xác định giá khởi điểm, kết quả chào bán cạnh tranh thực hiện theo quy định đối với phương thức đấu giá công khai.
Trường hợp chào bán cạnh tranh không thành công thì thực hiện phương thức thỏa thuận.
Về phương thức thỏa thuận
Phương thức thỏa thuận là phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước do cơ quan đại diện chủ sở hữu trực tiếp thỏa thuận với nhà đầu tư khi chào bán cạnh tranh không thành công trong trường hợp chỉ có 01 (một) nhà đầu tư nộp hồ sơ tham gia. Phương thức thỏa thuận không áp dụng đối với trường hợp chào bán cạnh tranh không thành công khi có nhiều nhà đầu tư đăng ký tham gia phiên chào bán cạnh tranh nhưng không đăng ký mua hết số lượng cổ phần cần bán.
Ngoài ra, tại dự thảo Nghị định bổ sung quy định xử lý đối với trường hợp sau khi đã thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN theo các phương thức nêu trên (đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận) mà vẫn còn cổ phần chưa bán hết thì cơ quan đại diện chủ sở hữu/DNNN căn cứ vào nhu cầu thị trường lựa chọn thời điểm để tiếp tục bán cổ phần theo phương thức đấu giá hoặc chào bán cạnh tranh. Trường hợp bán theo phương thức thỏa thuận phải báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện bằng văn bản (tương tự như quy định tại điểm b khoản 4 Điều 38 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ).
Bốn là, bỏ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 31 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ về trích Quỹ đặc thù theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (nếu có) từ nguồn lợi nhuận sau thuế TNDN và bổ sung tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2015/NĐ-CP quy định: Việc xử lý số tiền dư Quỹ đặc thù của các DNNN đã thực hiện trích lập Quỹ đặc thù từ nguồn lợi nhuận sau thuế TNDN theo quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP được xử lý theo hướng DNNN được tiếp tục sử dụng số tiền dư Quỹ theo mục đích đã quy định.
Năm là, bổ sung quy định về xử lý chi phí chuyển nhượng khi không bán được, trong đó:
Đối với việc chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác: bổ sung quy định đối với trường hợp chuyển nhượng vốn nhà nước không thành công hoặc tiền thu chuyển nhượng vốn nhà nước không đủ để bù đắp chi phí chuyển nhượng vốn thì được sử dụng tiền từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp để bù đắp phần còn thiếu chi phí chuyển nhượng vốn.
Đối với việc chuyển nhượng vốn của DNNN đầu tư tại doanh nghiệp khác: bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 29 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng xử lý như sau: giá trị chuyển nhượng thu được cộng với khoản dự phòng đã trích, sau khi trừ giá trị đầu tư ghi trên sổ sách kế toán, chi phí chuyển nhượng và thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định (nếu có), trường hợp số chênh lệch dương doanh nghiệp được hạch toán vào thu nhập hoạt động tài chính của doanh nghiệp, trường hợp số chênh lệch âm doanh nghiệp được hạch toán vào chí phí hoạt động tài chính của doanh nghiệp.
Sáu là, bổ sung quy định về trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước trong việc thu cổ tức, lợi nhuận được chia vào Ngân sách nhà nước:
Để tăng cường xử lý trách nhiệm thu vào ngân sách nhà nước phần cổ tức, lợi nhuận được chia đối với phần vốn góp của Nhà nước, tránh trường hợp cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định để lại doanh nghiệp và điều chỉnh tăng vốn điều lệ, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung tại dự thảo Nghị định quy định như sau: Người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước phải báo cáo xin ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu và sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu đã thống nhất với Bộ Tài chính việc phân chia phần lợi nhuận còn lại để tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên (tương tự quy định đối với người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp là ngân hàng thương mại cổ phần tại Nghị định số 57/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ và thực tế điều hành việc này của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn tại một số doanh nghiệp cổ phần thời gian qua).
Với những điểm đổi mới cơ bản nêu trên, sau khi Chính phủ xem xét, ban hành sẽ tạo điều kiện để quá trình chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN đầu tư tại doanh nghiệp khác đảm bảo hiệu quả, ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp./.
L.A