Những điểm mới về kỷ luật tổ chức Đảng vi phạm

Thứ năm, 11/10/2018 12:50
(ThanhtraVietNam) - Vừa qua, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 07-QĐi/TW về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm. Quy định này thay thế Quy định số 263-QĐ/TW, ngày 08/10/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm.

Quy định này quy định nội dung vi phạm và hình thức xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng vi phạm. Trong đó, tổ chức đảng vi phạm bị xử lý kỷ luật gồm: Chi ủy, chi bộ, đảng ủy bộ phận, đảng ủy, ban thường vụ đảng ủy cơ sở; cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy từ cấp trên cơ sở trở lên; Ủy ban kiểm tra các cấp; ban cán sự đảng, đảng đoàn.

Có ba hình thức kỷ luật tổ chức đảng vi phạm gồm: Khiển trách, cảnh cáo và giải tán.

So với Quy định 263 trước đây, tại Điều 5 của Quy định 07 mới quy định chi tiết hơn về thời hiệu xử lý kỷ. Cụ thể là 05 năm đối với những vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách và 10 năm đối với những vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm tổ chức đảng có vi phạm.

Đặc biệt, chỉ giải tán một tổ chức đảng khi tổ chức đảng đó vi phạm một trong các trường hợp: Có hành động chống đối đường lối, chính sách của Đảng, vi phạm đặc biệt nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng hoặc pháp luật của Nhà nước.

Quy định 07-QĐi/TW cũng quy định những tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng mức kỷ luật. Cụ thể những tình tiết giảm nhẹ mức kỷ luật là:

- Chủ động báo cáo vi phạm với tổ chức đảng cấp trên, tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm trước khi bị phát hiện.

- Chủ động cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ phản ánh đầy đủ, trung thực về những vi phạm.

- Chủ động chấm dứt vi phạm và khắc phục hậu quả do tổ chức mình gây ra.

- Có tinh thần, thái độ kiểm điểm tự giác, nghiêm túc, giúp tổ chức đảng có thẩm quyền kiểm tra, xem xét, xử lý chính xác, kịp thời các tổ chức, cá nhân có vi phạm.

Bên cạnh đó, là những tình tiết tăng nặng mức kỷ luật:

- Đã được tổ chức đảng cấp trên phê bình, nhắc nhở, cảnh báo mà không tự giác khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, vi phạm.

- Không tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm hoặc bao che, che giấu vi phạm.

- Trù dập, trả thù người đấu tranh, tố cáo, cung cấp chứng cứ vi phạm.

- Cung cấp thông tin, báo cáo sai sự thật; ngăn cản không để người khác cung cấp chứng cứ, tài liệu; tiêu hủy tài liệu và chứng cứ vi phạm; lập hồ sơ, chứng cứ giả.

- Đối phó, cản trở, gây khó khăn, trở ngại cho quá trình thẩm tra, xác minh, thu thập chứng cứ vi phạm.

- Lợi dụng tình trạng khẩn cấp, thiên tai, chính sách xã hội để vi phạm.

- Gây thiệt hại về vật chất mà không khắc phục hậu quả.

- Vi phạm nhiều lần, có tính hệ thống; tái phạm hoặc đã bị kỷ luật nhiều lần nhưng tiếp tục vi phạm.

- Ép buộc hoặc tạo điều kiện cho người khác lập hồ sơ, tài liệu, chứng cứ giả, che giấu, tiêu hủy hồ sơ, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vi phạm.

- Cố tình trì hoãn, kéo dài thời gian xem xét xử lý, khắc phục, làm cho tình hình tổ chức, cơ quan, đơn vị ngày càng phức tạp.

Quy định cũng nêu lên 17 nội dung vi phạm cũng như hình thức xử lý kỷ luật đối với từng nội dung.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

1. Vi phạm về quan điểm chính trị, chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng

- Thực hiện không đúng các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, gây thiệt hại về quyền lợi vật chất, tinh thần của tổ chức, cá nhân.

- Buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, để nhiều cán bộ, đảng viên trong tổ chức đảng vi phạm.

2. Vi phạm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng

- Kỷ luật bằng hình thức khiển trách khi vi phạm một trong các trường hợp gây hậu quả ít nghiêm trọng sau: Chậm ban hành quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng theo quy định; Thiếu trách nhiệm trong việc ban hành hoặc chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy chế dân chủ, quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng dẫn đến vi phạm; Không chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ hoặc thiếu trách nhiệm để cá nhân lợi dụng quyết định thay tập thể; Không giữ vững vai trò lãnh đạo, để nội bộ mất đoàn kết, giảm sút ý chí chiến đấu hoặc để cá nhân lợi dụng thâu tóm, thao túng dẫn đến có những quyết định sai trái; Vi phạm nguyên tắc sinh hoạt đảng, không tổ chức họp đảng bộ, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy theo quy định mà không có lý do chính đáng; Ủy quyền cho cấp dưới xem xét, thực hiện một số nhiệm vụ không đúng hoặc vượt quá thẩm quyền; Không chấp hành chế độ báo cáo, chế độ thông tin và trả lời chất vấn theo quy định của Đảng và Nhà nước.

- Kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo khi vi phạm lần đầu những trường hợp quy định phía trên, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau đây: Không ban hành quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng theo quy định; Ban hành quy chế làm việc có nội dung sai trái, trao quyền không đúng quy định của Đảng về trách nhiệm của người đứng đầu dẫn đến người đứng đầu lạm quyền, lộng quyền, làm trái quy định; Cục bộ, bè phái dẫn đến vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng; Báo cáo sai sự thật, bao che khuyết điểm, vi phạm của cấp dưới; Tự phê bình và phê bình yếu kém dẫn đến nội bộ mất đoàn kết; Dung túng, bao che, không đấu tranh, xử lý kịp thời đảng viên có thiếu sót, khuyết điểm dẫn đến đảng viên đó vi phạm.

- Kỷ luật bằng hình thức giải tán trong trường hợp cố ý không tổ chức sinh hoạt đảng trong ba kỳ liên tiếp mà không có lý do chính đáng; hoặc nội bộ chia rẽ, bè phái, mất đoàn kết nghiêm trọng kéo dài, không còn vai trò lãnh đạo đối với địa phương, đơn vị.

3. Vi phạm các quy định về thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán

- Kỷ luật bằng hình thức khiển trách khi vi phạm một trong các trường hợp gây hậu quả ít nghiêm trọng sau: Lãnh đạo, chỉ đạo hoặc quyết định việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán vượt quá phạm vi, thẩm quyền làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng; Cung cấp hoặc chỉ đạo cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật cho các cơ quan báo chí, gây dư luận xấu; Bao che cho đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán có vi phạm hoặc bao che cho cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có vi phạm khi được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; Không chỉ đạo xử lý hoặc không quyết định xử lý theo thẩm quyền đối với các vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán; Không thực hiện đúng các kết luận hoặc kiến nghị về kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của cấp có thẩm quyền; Chỉ đạo trì hoãn, không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, không trung thực các văn bản, tài liệu, số liệu theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức tiến hành kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán.

- Kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo khi vi phạm lần đầu những trường hợp quy định phía trên, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau đây: Chỉ đạo cản trở, mua chuộc, trả thù cá nhân hoặc tổ chức làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm toán, người cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ; Chỉ đạo việc chiếm giữ, tiêu hủy tài liệu, vật chứng, làm sai lệch hồ sơ, sửa chữa chứng từ, sổ sách nhằm đối phó với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

- Kỷ luật bằng hình thức giải tán trong trường hợp có chủ trương, hành động chống lại đường lối, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm toán gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

4. Vi phạm các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo

- Kỷ luật bằng hình thức khiển trách khi vi phạm một trong các trường hợp gây hậu quả ít nghiêm trọng sau: Ban hành văn bản có nội dung trái với quy định của Đảng và Nhà nước về giải quyết khiếu nại, tố cáo; Không chỉ đạo, tổ chức giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; Không thực hiện hoặc không chỉ đạo thực hiện việc bảo vệ người tố cáo hoặc không xử lý kỷ luật các trường hợp vi phạm về khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền; Không chấp hành quyết định, kết luận của tổ chức đảng có thẩm quyền về giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo khi vi phạm lần đầu những trường hợp quy định phía trên, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau đây: Thiếu trách nhiệm, không có biện pháp ngăn chặn, xử lý người tố cáo bịa đặt, vu khống, gây mất đoàn kết nội bộ; Chỉ đạo trù dập người tố cáo, người cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bao che cho người bị tố cáo; Buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo dẫn đến khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp kéo dài.

- Kỷ luật bằng hình thức giải tán trong trường hợp có chủ trương, hành động chống lại đường lối, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Vi phạm các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí

- Kỷ luật bằng hình thức khiển trách khi vi phạm một trong các trường hợp gây hậu quả ít nghiêm trọng sau: Không lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kê khai, công khai và kiểm soát tài sản, thu nhập đối với cán bộ, đảng viên theo quy định của Đảng và Nhà nước; Không chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và cán bộ, đảng viên thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo quy định; Buông lỏng lãnh đạo, quản lý dẫn đến không phát hiện, xử lý kịp thời tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị.

- Kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo khi vi phạm lần đầu những trường hợp quy định phía trên, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau đây: Bao che, dung túng cho tổ chức, cá nhân tham nhũng, lãng phí và vi phạm quy định về kê khai, công khai tài sản, thu nhập; Cố ý ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quy định, chủ trương, chính sách của cấp mình về phòng, chống tham nhũng, lãng phí trái nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và Nhà nước; Cố ý không xử lý hành vi tham nhũng, lãng phí ở cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp quản lý; Không lãnh đạo, chỉ đạo hoặc có hành động cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng; Chỉ đạo chỉ xử lý nội bộ hoặc xử lý về hành chính đối với người có hành vi tham nhũng có dấu hiệu tội phạm; Bàn và thống nhất việc nhận tiền, tài sản không hợp pháp để sử dụng cho tổ chức đảng hoặc các thành viên trong tổ chức đảng.

- Kỷ luật bằng hình thức giải tán trong trường hợp ban hành nghị quyết, quyết định chống lại các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng; hoặc lợi dụng việc phòng, chống tham nhũng để có các hoạt động xuyên tạc, bè phái nhằm gây mất ổn định chính trị.

Ngoài ra, Quy định số 07-QĐi/TW cũng quy định thêm các nội dung sau:

6. Vi phạm trong việc ban hành, tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước

7. Vi phạm về công tác tổ chức, cán bộ và công tác đảng viên

8. Vi phạm các quy định về bầu cử

9. Vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước

10. Vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân; việc giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội

11. Vi phạm các quy định về quốc phòng, an ninh, đối ngoại

12. Vi phạm các quy định về phòng, chống tội phạm

13. Vi phạm các quy định về đầu tư, xây dựng cơ bản

14. Vi phạm các quy định về kinh tế, tài chính, ngân hàng

15. Vi phạm các quy định về đất đai, tài nguyên, khoáng sản và nhà ở

16 Vi phạm các quy định về lĩnh vực giáo dục, văn hóa, xã hội

17. Vi phạm các quy định về an sinh xã hội và chính sách đối với người có công

Quy định này thay thế Quy định số 263-QĐ/TW, ngày 08/10/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm và có hiệu lực từ ngày ký, được phổ biến đến tùng chi bộ. Trong quá trình thực hiện Quy định, nếu có vướng mắc cần bổ sung, sửa đổi thì báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

Quỳnh An


Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra