Công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật:

Những tác động từ Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Thứ hai, 03/07/2023 08:31
(ThanhtraVietNam) - Chính quyền địa phương cấp xã thể hiện vai trò là cầu nối giữa Nhà nước, các tổ chức và cá nhân trong xã; đại diện cho Nhà nước và nhân danh Nhà nước để thực thi quyền lực nhà nước; và trực tiếp triển khai, tổ chức thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước ở xã, điều tiết sự tự quản của các thôn/làng trên địa bàn xã về phát triển nông thôn. Do đó, việc ban hành đạo luật - Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ có tác động đối với công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL).

Ngày 10/11/2022 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua một Luật mới - Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật gồm có 6 Chương và 91 Điều. Về hiệu lực thi hành, căn cứ khoản 1 Điều 90 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 thì Luật này có hiệu lực thi hành từ 01/07/2023.  Việc ban hành đạo luật nhằm thể chế quan điểm: “bảo đảm quyền của công dân, để công dân được biết, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở”, “thực hiện dân chủ ở cơ sở trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, “bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở”.

leftcenterrightdel
Ảnh chụp màn hình: PV 

Tác động của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL

Quy định mới về việc công khai kết quả thực hiện những nội dung yêu cầu bắt buộc công khai để Nhân dân biết: Điều 25 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền ... tiếp cận thông tin”. Việc người dân có đầy đủ các nguồn thông tin giúp họ nâng cao hiểu biết và nhận thức, chủ động, tích cực, tự giác thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư. Trên cơ sở được biết thông tin, Nhân dân mới kịp thời kiến nghị đến các cơ quan nhà nước để hoàn thiện chính sách, pháp luật.  Vì vậy, Luật năm 2022 đã cụ thể hóa quyền tiếp cận thông tin tại Điều 11 Luật năm 2022 quy định có 14 nhóm nội dung phải công khai ở xã, phường, thị trấn, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước hoặc thông tin chưa được công khai theo quy định của pháp luật.

Việc quy định này có tác động thuận lợi khi tiếp tục triển khai Thông tư số 09/2021/TT-BTP về hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Theo đó, tại Tiêu chí 2 về Tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật ví dụ như: (i) Chỉ tiêu 1: Công khai các thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ theo đúng quy định pháp luật về tiếp cận thông tin và thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; (ii) Chỉ tiêu 2 : Cung cấp thông tin theo yêu cầu kịp thời, chính xác, đầy đủ theo đúng quy định pháp luật về tiếp cận thông tin;…Như vậy, phạm vi trách nhiệm của chính quyền phải thực hiện mở rộng phạm vi công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn.

Tuy nhiên, 14 nhiệm vụ Luật hóa dựa trên cơ sở của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn 2007 thì có 4 nhiệm vụ được coi là mới. Do đó, khi triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 thì có tác động tạo hành lang pháp lý cụ thể rõ ràng hơn cho chính quyền cơ sở thực hiện việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn TCPL.

Về nghĩa vụ của công dân và quyền thụ hưởng của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 6, Điều 7). Luật năm 2022 đã thể chế và tạo hành lang pháp lý để Nhà nước và pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Được bảo đảm thực hiện các quyền về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Được thụ hưởng thành quả đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, chế độ an sinh xã hội, sự an toàn, ổn định của đất nước, của địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động và kết quả thực hiện dân chủ ở nơi mình cư trú, công tác, làm việc.  Được tạo điều kiện để tham gia học tập, công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bản thân, gia đình và cộng đồng…

Như vậy, bổ sung quyền thụ hưởng kết quả việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở của công dân vào khoản 3 Điều 7 của Luật là một bước tiến quan trọng trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày càng đi vào chiều sâu phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Quy định này tác động trong việc đổi mới toàn diện công tác PBGDPL, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật và thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng là công tác quan trọng. Bởi lẽ, các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tiếp tục được xác định là công cụ có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, bảo đảm và thực hiện các quyền, lợi ích của người trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, góp phần xây dựng môi trường pháp lý tiến bộ, lành mạnh tại cơ sở.

Bên cạnh đó, quy định rõ ràng phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, mọi công dân thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, tại thôn, tổ dân phố nơi mình cư trú (Điều 4 Luật năm 2022). Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 đã làm rõ hơn quy định các loại thông tin cơ quan nhà nước phải công khai theo Luật tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, việc quy định có thể tạo khó khăn cho cấp xã khi triển khai đối với những xã có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn như: Thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật; thông qua Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để thông báo đến công dân; gửi văn bản đến công dân sẽ dẫn đến cách làm hình thức đối phó khi triển khai thực hiện các Tiêu chí tại Điều 3 của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 về Tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó, có Tiêu chí 2 và Tiêu chí 4 để công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Đối với các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 8). Luật năm 2022 có 05 nhóm biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Điều 8 của Luật là các biện pháp cơ bản, cần thiết để tổ chức thực hiện và phát huy dân chủ ở cơ sở. Trên cơ sở các biện pháp này, căn cứ điều kiện và các nguồn lực thực tiễn tại cơ sở, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 85, Điều 86); người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước tạo điều kiện bảo đảm thực hiện dân chủ trong phạm vi cơ sở mà mình có thẩm quyền quản lý. Quy định như vậy sẽ bảo đảm sự linh hoạt, phù hợp với khả năng và tình hình thực tiễn tại cơ sở, tránh gây khó khăn cho chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức trong quá trình thực hiện nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu chung của pháp luật về bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Việc Luật 2022 quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở là cần thiết để tổ chức thực hiện và phát huy dân chủ ở cơ sở, tuy nhiên thực hiện đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn TCPL theo QĐ số 25 đang có điểm hạn chế là chưa có tiêu chí mới riêng độc lập về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở để có đảm bảo nguồn lực thực hiện trên thực tế. Tại Điều 6 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 quy định về Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, trong đó có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức giám sát việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Qua đây, sẽ làm cơ sở cho việc cần hoàn thiện các quy định chuyên ngành về TCPL bổ sung vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc làm cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền và người dân tại cơ sở, khu dân cư; chủ động đề xuất, phối hợp tổ chức các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân tại cơ sở, khu dân cư và thực hiện công tác thực hiện các trình tự, thủ tục, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật..

Một số đề xuất, giải pháp tháo gỡ bất cập, vướng mắc

Trong thời gian tới sẽ có thể có một số vướng mắc về thể chế, quy định công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL trong bối cảnh Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 có hiệu lực thi hành. Do đó, cũng cần một số giải pháp để tháo gỡ như sau:

Một là, mở rộng thêm các Tiêu chí, chỉ tiêu liên quan đến xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo hướng Luật năm 2022 như: Các biện pháp bảo đảm thực hiện; các hình thức công khai các thông tin có sự phân biệt đối với việc công khai thông tin của chính quyền địa phương cấp xã tại khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện theo quy định của Chính phủ khác với địa phương vùng đồng bằng, đô thị…..

Hai là, hoàn thiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cần bổ sung “quyền thụ hưởng". Việc hoàn thiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cần bổ sung “quyền thụ hưởng” vào Điều 3 của Quyết định thì sẽ thể hiện được tinh thần pháp quyền và vai trò lấy người dân làm trung tâm trong đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Nếu không bổ sung quy định này vào Quyết định 25 sẽ tạo ra khoảng trống trong bối cảnh thực hiện các quy định pháp luật mới về thực hiện dân chủ, sẽ tạo điểm vênh, điểm nghẽn trong đảm bảo tổ chức thực hiện./.

TS. Chuyên viên chính Trần Văn Duy – Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp
ThS. Thẩm tra viên chính Lê Thị Thu – Tổng cục Thi hành án dân sự – Bộ Tư pháp
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra