Nội quy tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân TP Hà Nội

Thứ tư, 06/03/2019 17:00
(ThanhtraVietNam) - Ngày 03/01/2019, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký Quyết định số 12/QĐ-UBND về nội quy tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân TP Hà Nội. Thời gian tiếp công dân thường xuyên từ thứ 2 đến thứ 5 hàng tuần, đặc biệt, ngày thứ 6, tổ chức phục vụ tiếp công dân của Đại biểu Quốc hội và tiếp công dân về vụ việc cụ thể theo kế hoạch. Ngoài ra, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố tiếp công dân định kỳ vào ngày thứ ba của tuần thứ 3 hàng tháng.

Công dân khi đến trụ sở tiếp công dân cần xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền như: Giấy Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp. Công dân không được lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để xuyên tạc, vu khống, kích động gây mất trật tự trong Trụ sở Tiếp công dân hoặc có hành động xâm hại, xúc phạm, cản trở cán bộ tiếp công dân làm nhiệm vụ và các hoạt động của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân. Trường hợp có nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung (từ 05 người trở lên) thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với cán bộ tiếp công dân.

Ngoài ra, công dân không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân; giữ gìn vệ sinh, trật tự, đảm bảo mỹ quan trước và trong khuôn viên Trụ sở Tiếp công dân, không di chuyển hoặc làm hư hỏng tài sản của Trụ sở Tiếp công dân. Đặc biệt, hết giờ làm việc, công dân không được lưu lại Trụ sở Tiếp công dân dưới bất kỳ hình thức nào.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Đối với cán bộ tiếp công dân, khi tiếp công dân, người tiếp công dân phải chấp hành những quy định của cơ quan, đơn vị chủ quản về trang phục, thẻ công chức; được quyền yêu cầu người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền, yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc tiếp nhận, thụ lý vụ việc; có thái độ đứng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày.

Người tiếp công dân phải giải thích, hướng dẫn cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền giải quyết. Đặc biệt, cần giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và những thông tin cá nhân khác của người tố cáo.

Bên cạnh đó, Quyết định 12 cũng đưa ra các trường hợp từ chối tiếp và lập biên bản yêu cầu xử lý theo quy định của pháp luật, cụ thể như một số trường hợp dưới đây:

- Công dân trong tình trạng không làm chủ được hành vi của mình do dùng chất kích thích; người đã được cơ quan có thẩm quyền xác định mắc bệnh tâm thần hoặc một số bệnh khác dẫn tới mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật dân sự.

- Công dân khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài.

- Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ tiếp công dân, người thi hành công vụ; có hành vi cản trở các hoạt động bình thường của Trụ sở tiếp công dân, của người thi hành công vụ hoặc vi phạm nội quy tiếp công dân.

- Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, xúi giục, kích động người khác nhằm gây rối, xuyên tạc, nói xấu đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân./.

PV

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra