Theo quy chế, nguyên tắc làm việc của Thanh tra Ủy ban được quy định trên cơ sở cụ thể hóa các nguyên tắc làm việc của Ủy ban Dân tộc đã được quy định tại Quy chế làm việc của Ủy ban Dân tộc ban hành kèm theo Quyết định số 559/QĐ-UBDT ngày 25/9/2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (sau đây gọi là Quy chế làm việc của Ủy ban) và các quy định của ngành Thanh tra.
Cụ thể, Chánh Thanh tra Ủy ban có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động của Thanh tra Ủy ban, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Ủy ban Dân tộc và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thanh tra, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Tổng Thanh tra Chính phủ về kết quả và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Đồng thời, phân công công việc cho các Phó Chánh Thanh tra Ủy ban trong việc thực hiện nhiệm vụ của Thanh tra Ủy ban. Tùy theo yêu cầu công tác của đơn vị, Chánh Thanh tra có thể trực tiếp giải quyết các công việc đã phân công cho Phó Chánh Thanh tra hoặc điều chỉnh công việc giữa các Phó Chánh Thanh tra. Ngoài ra, trực tiếp tham mưu cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm trong việc thanh tra, kiểm tra đối với các Bộ, ngành; chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra đối với Ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức, các cơ quan chuyên ngành ở địa phương, các cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban trong việc thực hiện pháp luật, nhiệm vụ đã phân công, phân cấp thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc.
Bên cạnh đó, Chánh Thanh tra phải có trách nhiệm đưa ra thảo luận trong tập thể Lãnh đạo Thanh tra Ủy ban trước khi quyết định các vấn đề sau:
- Chương trình, kế hoạch công tác; báo cáo tổng kết của đơn vị;
- Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn; dự án, dự thảo văn bản pháp luật do đơn vị chủ trì xây dựng để Bộ trưởng, Chủ nhiệm trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền;
- Dự toán, quyết toán ngân sách; chế độ chi tiêu nội bộ, kế hoạch mua sắm tài sản của đơn vị theo quy định;
- Công tác tổ chức bộ máy, nhân sự thi đua, khen thưởng, kỷ luật của đơn vị theo quy định.
Theo Quyết định số 342, bên cạnh trách nhiệm của Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra cũng có những trách nhiệm như: Giúp Chánh Tranh tra quản lý, điều hành đơn vị, được Chánh Thanh tra phân công phụ trách một số lĩnh vực, nhiệm vụ công tác và một số phòng nghiệp vụ; nhân danh và sử dụng quyền hạn của Chánh Thanh tra khi giải quyết các công việc thuộc lĩnh vực được phân công; chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Ngoài ra, trách nhiệm của Phó Chánh Thanh tra được quy định tại Điều 8, Chương II, Quy chế làm việc của Ủy ban Dân tộc ban hành kèm theo Quyết định số 559/QĐ-UBDT ngày 25/9/2017, cụ thể là: Chấp hành sự chỉ đạo, phân công công tác của Chánh Thanh tra; Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công việc trong các lĩnh vực, nhiệm vụ được phân công phụ trách; Phân công công tác và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ đối với các phòng nghiệp vụ, công chức, viên chức và người lao động được phân công phụ trách; Ký thay Chánh Thanh tra các văn bản trong lĩnh vực được phân công phụ trách và các văn bản khác theo Ủy quyền của Chánh Thanh tra; Phối hợp với Phó Chánh Thanh tra khác trong đơn vị giải quyết công việc có liên quan.
Tại Thanh tra Ủy ban dân tộc, Trưởng phòng quản lý, điều hành hoạt động của phòng và trực tiếp thực hiện một số công việc trong lĩnh vực, chuyên môn nghiệp vụ được phân công; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra được giao nhiệm vụ phụ trách phòng về việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, có trách nhiệm: Chấp hành sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của Chánh Thanh tra và Phó Chánh Thanh tra được giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách; Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, kế hoạch công tác của Thanh tra Ủy ban và sự chỉ đạo của lãnh đạo Thanh tra Ủy ban, Trưởng phòng xây dựng trình Chánh Thanh tra, điều hành kế hoạch công tác của phòng sau khi được phê duyệt để tổ chức thực hiện; Phân công công việc cho các công chức, viên chức và người lao động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của phòng theo sự chỉ đạo của Lãnh đạo Thanh tra Ủy ban trực tiếp phụ trách; theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc và đánh giá kết quả thực hiện công việc của công chức, viên chức và người lao động thuộc phòng; Chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao, trực tiếp giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn ban hành văn bản, quy trình giải quyết công việc; Phối hợp với các phòng khác trong đơn vị để giải quyết các công việc có liên quan; báo cáo Lãnh đạo Thanh tra Ủy ban trực tiếp phụ trách về các vấn đề vượt quá thẩm quyền hoặc những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các phòng.
Bên cạnh đó, Phó Trưởng phòng giúp Trưởng phòng điều hành hoạt động của phòng và trực tiếp thực hiện một số công việc trong lĩnh vực, chuyên môn nghiệp vụ được phân công; chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Thanh tra Ủy ban, Trưởng phòng và trước pháp luật về kết quả thực hiện các nhiệm vụ đó; trường hợp vắng mặt trong giờ làm việc thì phải báo cáo và được sự đồng ý của Trưởng phòng.
Công chức, viên chức và người lao động thuộc Thanh tra Ủy ban có trách nhiệm chấp hành sự chỉ đạo, hướng dẫn, phân công công tác của cấp trên; chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật và trước Lãnh đạo Thanh tra Ủy ban và Lãnh đạo phòng trực tiếp phụ trách về tiến độ, chất lượng, hiệu quả thực hiện các công việc được giao và thực hiện các nhiệm vụ theo quy định. Đồng thời, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn ban hành văn bản, quy trình giải quyết công việc; Phối hợp với công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị hoặc đơn vị khác có liên quan để giải quyết công việc báo cáo Lãnh đạo trực tiếp phụ trách các vấn đề vượt quá thẩm quyền hoặc còn có ý kiến khác nhau; Nghiên cứu, đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
Cộng tác viên Thanh tra Ủy ban là người được Lãnh đạo cơ quan Ủy ban Dân tộc, Lãnh đạo Thanh tra Ủy ban trưng tập để thực hiện nhiệm vụ theo quy định. Cộng tác viên Thanh tra Ủy ban phải có phẩm chất chính trị, có ý thức trách nhiệm, trung thực, khách quan và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với lĩnh vực thanh tra công tác dân tộc.
Về việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Hàng năm Thanh tra Ủy ban xây dựng lịch tiếp công dân của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban, của Chánh Thanh tra và bố trí người thường trực tiếp công dân tại phòng tiếp công dân của Ủy ban. Đồng thời yêu cầu Thủ trưởng các Vụ, đơn vị có liên quan cử người có thẩm quyền cùng tham gia tiếp công dân tại phòng tiếp công dân khi cần thiết. Từ đó, Thanh tra Ủy ban chủ động phối hợp với các Vụ, đơn vị liên quan chuẩn bị các điều kiện hồ sơ, tài liệu để lãnh đạo Ủy ban tiếp công dân. Việc tổ chức tiếp công dân thực hiện theo Quy chế tiếp công dân, Quy chế làm việc của Ủy ban Dân tộc, theo quy định của pháp luật về tiếp công dân./.
PV