Nghị định này quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
Theo Nghị định, các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội gồm: Các cơ quan thanh tra nhà nước và các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Cơ quan thanh tra nhà nước gồm: Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Thanh tra Bộ); Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Thanh tra Sở). Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành gồm: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Cục Quản lý lao động ngoài nước; Cục An toàn lao động.
Theo quy định, Thanh tra Bộ là cơ quan thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giúp Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; thực hiện thanh tra hành chính, thanh chuyên ngành; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Bộ chịu sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng và chịu sự chỉ đạo về công tác, hướng dẫn về nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ. Thanh tra Sở là cơ quan của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giúp Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, giquyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Thanh tra Sở chịu sự chỉ đạo, điều hành của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; chịu sự chỉ đạo về công tác thanh tra và hướng dẫn về nghiệp vụ thanh tra hành chính của Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, về nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ.
Thanh tra Bộ LĐ-TB và XH triển khai học tập Nghị quyết Trung ương 5
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục An toàn lao động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 10 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 9/2/2012 quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành và các nhiệm vụ, quyền hạn sau: 1- Thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục, Cục; 2- Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý với Thanh tra Bộ; 3- Tham gia với Thanh tra Bộ hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý của Tổng cục, Cục; 4- Phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật thuộc phạm quản lý nhà nước theo quy định; 5- Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Nghị định quy định rõ hoạt động thanh tra hành chính do Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở thực hiện theo quy định của pháp luật. Nội dung thanh tra hành chính gồm: Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định.
Hoạt động thanh tra chuyên ngành do các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tại Nghị định này thực hiện. Hoạt động thanh tra chuyên ngành thực hiện theo quy định từ Điều 51 đến Điều 56 Luật Thanh tra, từ Điều 14 đến Điều 32 Nghị định số 7/2012/NĐ-CP.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ các nội dung thanh tra chuyên ngành về lao động, an toàn vệ sinh lao động; nội dung thanh tra chuyên ngành về việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; nội dung thanh tra chuyên ngành về người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; nội dung thanh tra chuyên ngành về giáo dục nghề nghiệp; nội dung thanh tra chuyên ngành về người có công; nội dung thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực trẻ em và các chính sách xã hội khác.
Trần Đắc