Quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán trong Dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi

Thứ tư, 29/05/2019 08:00
(ThanhtraVietNam) – Đây là một trong những nội dung được nhiều đại biểu thảo luận tại tổ, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Về pháp lý, Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) là văn bản do KTNN lập và công bố sau mỗi cuộc kiểm toán để đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán. Sau khi phát hành và công khai, Báo cáo kiểm toán của KTNN có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Theo quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 7 Luật KTNN năm 2015, Báo cáo kiểm toán là căn cứ để đơn vị được kiểm toán thực hiện quyền khiếu nại (KN).

Tuy nhiên, trên thực tế các đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán trong Báo cáo kiểm toán có tác động đến đơn vị được kiểm toán và cả đơn vị, tổ chức có liên quan đến hoạt động quản lý tài chính, tài sản công nhưng Luật mới chỉ quy định “Báo cáo kiểm toán là căn cứ để đơn vị được kiểm toán thực hiện quyền KN” mà chưa cho phép đơn vị, tổ chức có liên quan đến hoạt động quản lý tài chính, tài sản công (bên thứ 3) thực hiện.

Mặt khác, theo pháp luật về KN thì nếu các kết luận, kiến nghị kiểm toán mà trái pháp luật gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức thì tổ chức đó có quyền được KN với KTNN.

Với nguyên tắc hoạt động của KTNN là “độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Đồng thời, đặc thù kiểm toán là hoạt động chuyên môn sâu về lĩnh vực kiểm tra tài chính, kế toán, liên quan đến các sai phạm của cá nhân, tổ chức được kiểm toán và nhiều bên có liên quan nên hàng năm vẫn còn nhiều kiến nghị về kết quả kiểm toán của các đơn vị được kiểm toán gửi về KTNN. Theo thống kê của KTNN, năm 2015 KTNN đã trả lời 112 văn bản, năm 2016 trả lời 100 văn bản, năm 2017 trả lời 132 văn bản; năm 2018 trả lời 152 văn bản kiến nghị. Trong đó, nhiều văn bản có thời gian trả lời dài, tồn đọng qua nhiều năm (năm 2015 tồn 59 văn bản; năm 2016 tồn 38 văn bản; năm 2017 tồn 52 văn bản; năm 2018 tồn 46 văn bản kiến nghị).

KTNN cho rằng, nguyên nhân của những kiến nghị chủ yếu là do văn bản pháp lý hiện hành có nội dung quy định chung chung nên có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến nhiều quan điểm trong việc thực hiện, cơ sở để thực hiện quyền kiến nghị và KN của các cơ quan đơn vị có liên quan (không phải đơn vị được trực tiếp kiểm toán).

leftcenterrightdel
 Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN bổ sung quyền KN các quyết định kiến nghị kiểm toán cho các tổ chức, cá nhân có liên quan

Vì vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân (là đơn vị được kiểm toán hoặc tổ chức có liên quan) đều có quyền KN, kiến nghị về kết quả kiểm toán, trong Tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, KTNN đề nghị sửa đổi lại Điều 7 Luật KTNN theo hướng bổ sung quyền kiến nghị, KN đối với báo cáo kiểm toán cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến việc sử dụng, quản lý tài chính công, tài sản công theo hướng như sau:

“2. Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước là căn cứ để:

d) Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung điểm a và điểm b Khoản 2 Điều 69 cho phù hợp như sau:

“2. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến đơn vị được kiểm toán cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước:

a) Trong quá trình thực hiện kiểm toán, đơn vị được kiểm toáncơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước có quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán nhà nước về hành vi của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và các thành viên của Đoàn kiểm toán khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị;

b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kiểm toán, đơn vị được kiểm toán cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước có quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán nhà nước về đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán trong báo cáo kiểm toán khi có căn cứ cho rằng kết quả kiểm toán đó là trái pháp luật, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị”.

Như vậy, Luật KTNN năm 2015 chỉ quy định quyền KN của các đơn vị được kiểm toán, chưa quy định quyền KN của các đơn vị liên quan. Trong Luật KTNN sửa đổi lần này, sẽ bổ sung quyền KN của các đơn vị liên quan vào Luật để minh bạch, đồng thời, bảo vệ quyền lợi của các đối tượng liên quan đến hoạt động kiểm toán khi kết quả kiểm toán có xâm phạm đến lợi ích của họ.

Cơ quan thuế hay cơ quan tài nguyên môi trường cũng có thể KN kết luận của KTNN hoặc khởi kiện nếu cho rằng kết luận đó xâm phạm lợi ích của họ.

Trước đó, chiều 23/5/2019, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ, cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN. Trong quá trình thảo luận, đa số đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhằm khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật KTNN. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến vào một số nội dung cụ thể, trong đó có nội dung về quyền KN báo cáo kiểm toán.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) đề nghị Kiểm toán cần bổ sung quyền KN các quyết định kiến nghị kiểm toán cho các tổ chức, cá nhân có liên quan, để đảm bảo tính dân chủ, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn ĐBQH Quảng Ninh) đề nghị cần xem xét quy định phù hợp vì báo cáo kiểm toán, kết luận kiểm toán không được quy định là quyết định hành chính, nhưng Luật KN hiện nay chỉ quy định về KN đối với các quyết định hành chính./.

Hoàng Minh

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra