Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước

Thứ tư, 28/08/2019 15:36
(ThanhtraVietNam) – Tổng Thư ký Quốc hội vừa thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại họp phiên thứ 36, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về việc xem xét các nội dung về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với 3 vấn đề cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã thống nhất về định hướng tiếp thu, giải trình tại Báo cáo số 1650/BC-UBTCNS14 ngày 09/8/2019 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Liên quan các vấn đề còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến như sau: Không bổ sung vào dự thảo Luật các quy định: Kiểm toán nhà nước có nhiệm vụ "thực hiện kiểm toán vì sự phát triển bền vững của đất nước" và "hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán nội bộ đối với cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công"; Cơ quan có thẩm quyền giám sát hoạt động của Kiểm toán nhà nước; Công khai kết quả kiểm toán.

Bên cạnh đó, nhất trí quy định trong dự thảo Luật về việc Kiểm toán nhà nước có thẩm quyền trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và xử phạt vi phạm hành chính. Việc quy định cụ thể về loại văn bản, quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hành vi vi phạm, mức xử phạt vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt do Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa  

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, cân nhắc về nhiệm vụ giám định tư pháp của Kiểm toán nhà nước để phục vụ yêu cầu công tác điều tra, truy tố, xét xử trong phòng, chống tham nhũng trên cơ sở phù hợp với năng lực, nguồn lực của Kiểm toán nhà nước.

Không chỉ vậy, cần quy định cụ thể nguyên tắc phối hợp, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước và cơ quan thanh tra các cấp trong công tác phối hợp để tránh chồng chéo giữa thanh tra, kiểm toán trong lập, quyết định, thực hiện kế hoạch kiểm toán và kế hoạch thanh tra các cấp; nghiên cứu quy định cơ quan cỏ thẩm quyền xử lý, giải quyết chồng chéo (Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ) trong trường hợp các cơ quan không thống nhất được trong quá trình phối hợp.

Đồng thời, quy định cụ thể, chặt chẽ việc mở rộng phạm vi hoạt động kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán theo hướng nếu phát hiện có vi phạm liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc có vấn đề liên quan đến tham nhũng, tiêu cực thì Kiểm toán nhà nước được tiến hành kiểm tra, đối chiếu, xử lý theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và Luật Phòng, chống tham nhũng.

Thống nhất quy định Kiểm toán nhà nước có quyền truy cập vào dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng của các cơ quan, tổ chức và cá nhân và chỉ thực hiện khi hoạt động này có liên quan đến hoạt động kiểm toán và phục vụ cho công việc của Kiểm toán nhà nước. Ngoài ra, cần quy định rõ phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm của Kiểm toán viên trong việc truy cập vào dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật Tiếp cận thông tin, Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và các quy định khác của pháp luật về bí mật thông tin.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Kiểm toán nhà nước và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý; hoàn thiện dự thảo Luật để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 37 (tháng 9/2019) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.

Lan Anh

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra