Tăng cường kiểm tra, nâng cao kỷ luật trong ban hành văn bản QPPL

Thứ tư, 13/09/2017 10:27
(ThanhtraVietNam) – Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (Luật năm 2015) và Nghị định hướng dẫn thi hành số 34/2016/NĐ-CP; tránh để xảy ra sai sót nghiêm trọng như trong Bộ luật hình sự năm 2015, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản số 1362/TTg-PL nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản QPPL.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa (nguồn internet)

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL phải gắn với việc rà soát, đánh giá, xem xét, dự kiến bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định trong các văn bản QPPL có liên quan nhằm kịp thời loại bỏ những quy định lạc hậu, mâu thuẫn, chồng chéo, không đúng thẩm quyền, không minh bạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, từng bước đơn giản hóa, hiện đại hóa hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước.

Trong báo cáo đánh giá tác động và thuyết minh của dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị định của Chính phủ, dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phải có nội dung rà soát, đánh giá và đề xuất danh mục các văn bản pháp luật cần bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung với dự kiến lộ trình, thời gian cụ thể thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định.

Đối với luật, pháp lệnh có nội dung sửa đổi, bổ sung nhỏ, đơn giản, không làm thay đổi chính sách hoặc chỉ sửa đổi về kỹ thuật thì đưa nội dung sửa đổi, bổ sung vào dự án luật, pháp lệnh có liên quan đang được soạn thảo; đối với các luật, pháp lệnh có nội dung sửa đổi, bổ sung lớn, phức tạp, làm thay đổi các chính sách thì Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của luật, pháp lệnh lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung theo đúng quy định của Luật năm 2015.

Đặc biệt, các Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì soạn thảo phải tăng cường theo dõi, kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động, sự tham gia và ý thức trách nhiệm của từng thành viên Ban soạn thảo dự án luật, pháp lệnh. Trong báo cáo hằng quý gửi Bộ Tư pháp về tình hình, tiến độ soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì soạn thảo phải có nội dung báo cáo về tình hình và chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban soạn thảo.

Đồng thời, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng, ban hành văn bản QPPL, xử lý kịp thời các sai phạm. Trong đó, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo, thẩm định trong trường hợp văn bản không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc tham mưu xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật./.

Hoàng Minh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra