Dự thảo Nghị định Chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần:

Tập trung 9 chính sách lớn và đề xuất 3 hình thức chuyển đổi

Thứ ba, 06/08/2019 15:13
(ThanhtraVietNam) – Để thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thành công ty cổ phần (CTCP), khắc phục các vướng mắc trong quá trình chuyển đổi ĐVSNCL, Bộ Tài chính cho biết dự thảo Nghị định chuyển ĐVSNCL thành CTCP sẽ tập trung vào 9 chính sách lớn và đề xuất 3 hình hình chuyển đổi.

Chưa đạt 0,09% số ĐVSNCL được cổ phần hóa

Tại buổi Họp báo chuyên đề “Kết quả thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) 6 tháng đầu năm 2019; nội dung cơ bản chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành CTCP” do Bộ Tài chính tổ chức ngày 5/8, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp đã giới thiệu những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định chuyển ĐVSNCL thành CTCP.

Theo ông Tiến, hiện tại, cả nước còn gần 58.000 ĐVSNCL với số lượng lao động đạt hơn 2,5 triệu người. Tuy nhiên, đến năm 2018 số lượng cổ phần hóa chỉ được trên 50 đơn vị, chưa đạt 0,09% số ĐVSNCL đang hoạt động.

Mặt khác, trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc cần được điều chỉnh như chưa có quy định chặt chẽ về nghĩa vụ tiếp tục cung cấp dịch vụ công của doanh nghiệp chuyển đổi từ ĐVSNCL, chế tài nếu ĐVSNCL không tiếp tục cung cấp dịch vụ công hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; chưa quy định cơ chế giám sát, tổng hợp báo cáo về tình hình cung cấp dịch vụ công của các doanh nghiệp này; chưa quy định hết đối tượng các ĐVSNCL có khả năng chuyển đổi thành CTCP như các ĐVSNCL thuộc các cơ quan chuyên môn của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh; chưa có hướng dẫn xử lý một số nội dung tài chính đặc thù của ĐVSNCL hay chưa có quy định về bán toàn bộ phần vốn nhà nước hiện có tại ĐVSNCL hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Đồng thời, có nhiều nội dung của Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg dẫn chiếu tới quy định về cổ phần hóa DN. Tuy nhiên, các quy định về tài chính, kế toán đối với ĐVSNCL và DN là khác nhau. Do vậy, việc hướng dẫn chuyển đổi các ĐVSNCL thực hiện theo quy định như đối với chuyển đổi DNNN thành CTCP có thể tạo bất cập, khó khăn cho các đơn vị.

Hiện nay, phần lớn ĐVSNCL đủ điều kiện chuyển đổi thành CTCP có quy mô nhỏ, tuy nhiên Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg đang quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án chuyển đổi. Quy định, này tăng khối lượng công việc của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan Chính phủ, hạn chế tính chủ động của cơ quan chủ quản và kéo dài thời gian chuyển các ĐVSNCL thành CTCP.

leftcenterrightdel
Ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp giới thiệu 
các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần. Ảnh: L.A 

Đề xuất 03 hình thức chuyển đổi

Để thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý, chuyển đổi các ĐVSNCL thành CTCP, khắc phục các vướng mắc trong quá trình chuyển đổi ĐVSNCL, dự kiến nội dung Nghị định sẽ gồm 9 chính sách lớn liên quan tới đối tượng ĐVSNCL chuyển đổi thành CTCP; điều kiện chuyển ĐVSNCL thành CTCP; hình thức chuyển đổi ĐVSNCL; về xử lý tài chính tại thời điểm xác định giá trị ĐVSNCL; về xác định giá trị ĐVSNCL; đối tượng và điều kiện mua cổ phần; quản lý, sử dụng tiền thu từ chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP; các chính sách ưu đãi đối với ĐVSNCL và người lao động khi chuyển ĐVSNCL thành CTCP và quyền hạn và trách nhiệm trong tổ chức thực hiện chuyển đổi.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất 3 điều kiện mà ĐVSNCL cần đáp ứng để chuyển thành CTCP bao gồm: Tự đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư hoặc tự đảm bảo chi thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi; còn vốn Nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị ĐVSNCL và thuộc danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển ĐVSNCL thành CTCP do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ.

Các hình thức chuyển đổi ĐVSNCL bao gồm: Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại ĐVSNCL, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; bán một phần vốn Nhà nước hiện có tại ĐVSNCL hoặc kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; bán toàn bộ vốn Nhà nước hiện có tại ĐVSNCL hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn Nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Theo quy định của Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg, số tiền thu được từ chuyển đổi ĐVSNCL sau khi trừ các khoản chi phí chuyển đổi và chi phí giải quyết chính sách cho người lao động được nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp tại công ty mẹ tập đoàn kinh tế tổng công ty Nhà nước hoặc Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN đối với đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ thì hiện tại không còn Quỹ hỗ trợ sắp xếp tại công ty mẹ tập đoàn kinh tế tổng công ty Nhà nước. Đồng thời, hiện nay Chính phủ đang xây dựng trình Quốc hội Nghị quyết về quản lý nguồn thu từ cổ phần hóa các DNNN và chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP.

Do vậy Bộ Tài chính có đề xuất việc nộp tiền thu từ chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội về quản lý tiền thu từ cổ phần hóa DNNN và quy định hiện hành về chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP.

Tại chính sách về quyền hạn và trách nhiệm trong tổ chức thực hiện chuyển đổi, Bộ Tài chính cũng đề xuất quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, của Hội đồng thành viên Công ty mẹ Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước; Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch DNNN có ĐVSNCL cần chuyển đổi. Đồng thời Bộ Tài chính cũng đề xuất quy định về quyền hạn và trách nhiệm trong việc giám sát của địa phương và Bộ quản lý ngành đối với DN sau chuyển đổi; Trách nhiệm của Bộ KHĐT về tổng hợp báo cáo hằng năm về tình hình chuyển đổi và kết quả cổ phần hóa ĐVSNCL.

So với Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đã đề nghị điều chỉnh lại thẩm quyền theo hướng: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục chuyển đổi; giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh phê duyệt phương án chuyển đổi.

Lý do được Bộ Tài chính đưa ra đó là việc điều chỉnh trách nhiệm, quyền hạn trong tổ chức chuyển đổi ĐVSNCL như trên sẽ giúp giảm thủ tục và thời gian thực hiện chuyển đổi, thể hiện được sự tăng cường phân cấp, phân quyền theo chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành TW khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả./.

Lan Anh

 

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra