Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp

Thứ sáu, 27/09/2019 11:51
(ThanhtraVietNam) – Bộ trưởng Bộ Công thương mới ký ban hành (25/9/2019) văn bản hợp nhất Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp quy định tại Nghị định số 115/2016/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung và Nghị định số 55/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón. Theo đó, nhiều thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, trong đó có thẩm quyền của Thanh tra được thống nhất.

Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra

Theo văn bản hợp nhất số 13 của Bộ Công thương, Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp đang thi hành công vụ có quyền:

Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 500.000 đồng trong lĩnh vực hóa chất, phân bón, vật liệu nổ công nghiệp; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính không vượt quá mức tiền phạt theo quy định tại điểm b khoản này; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Thêm vào đó, Chánh Thanh tra Sở, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các chức danh tương đương được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 25.000.000 đồng trong lĩnh vực hóa chất, 50.000.000 đồng trong lĩnh vực phân bón, vật liệu nổ công nghiệp; Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng Giấy phép, Giấy chứng nhận trong lĩnh vực hóa chất, phân bón, vật liệu nổ công nghiệp có thời hạn theo quy định; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính không vượt quá mức tiền phạt theo quy định.

Đồng thời, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan quản lý nhà nước được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt theo quy định.

Bên cạnh đó, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 35.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực hóa chất; đến 70.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực phân bón, vật liệu nổ công nghiệp; Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng Giấy phép, Giấy chứng nhận trong lĩnh vực hóa chất, phân bón, vật liệu nổ công nghiệp có thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định này; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính không vượt quá mức tiền phạt quy định.

Văn bản cũng chỉ rõ, Chánh Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Cục trưởng Cục Hóa chất, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Cục trưởng Cục Thú y, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, Cục trưởng Cục Quản lý dược, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm và các chức danh tương đương được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực hóa chất, đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực phân bón, vật liệu nổ công nghiệp; Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng Giấy phép, Giấy chứng nhận trong lĩnh vực hóa chất, phân bón, vật liệu nổ công nghiệp có thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định này; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Phân định rõ thẩm quyền để tránh chồng chéo

Đó cũng là điểm mới trong văn bản hợp nhất của Bộ Công thương khi những người có thẩm quyền của cơ quan Công an nhân dân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Những người có thẩm quyền của cơ quan Hải quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính về xuất khẩu, nhập khẩu, các dịch vụ liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp quy định tại Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Điều 40a Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Những người có thẩm quyền của Thanh tra có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Điều 39 Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Những người có thẩm quyền của Bộ đội biên phòng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón, vật liệu nổ công nghiệp quy định tại Điều 40c Nghị định này thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình.

Trong khi đó, những người có thẩm quyền của Cảnh sát biển có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón, vật liệu nổ công nghiệp quy định tại Điều 40d Nghị định này thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình.

PV

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra