Nghị định quy định về hành vi VPHC, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt VPHC trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Về hình thức xử phạt, có xử phạt hành chính (cảnh cáo; phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn) và hình thức xử phạt bổ sung (tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; đình chỉ hoạt động có thời hạn; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn).
Đáng chú ý, thẩm quyền xử phạt VPHC của thanh tra được quy định cụ thể tại Điều 65. Trong đó, các chủ thể được xử phạt đều có quyền phạt cảnh cáo và phạt tiền.
Cụ thể, Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 500.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện VPHC có giá trị không vượt quá mức tiền phạt nêu trên; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a và đ Khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý VPHC.
Chánh Thanh tra cấp sở, Trưởng Đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở, Chánh Thanh tra Cục Hàng hải, Chánh Thanh tra Cục Hàng không, Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật, thú y, chăn nuôi, thủy sản, quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, thủy lợi, đê điều, lâm nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Trung tâm Tần số khu vực có quyền phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực văn hoá; phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực quảng cáo.
Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá, quảng cáo có hiệu lực từ 01/6/2021. (Ảnh minh hoạ, nguồn: Minh Nguyệt)
Chánh Thanh tra cấp bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Cục trưởng Cục Thú y, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Cục trưởng Cục Viễn thông, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục trưởng Cục Báo chí, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Cục trưởng Cục Quản lý dược, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm có quyền: Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực văn hóa; phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực quảng cáo. Mặt khác, có quyền tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện VPHC; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 4 Nghị định này.
Bên cạnh đó, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ còn phân định thẩm quyền xử phạt VPHC. Trong đó, có quy định cụ thể thẩm quyền của Thanh tra chuyên ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thanh tra Thông tin và Truyền thông; Thanh tra Y tế; Thanh tra Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thanh tra Xây dựng; Thanh tra Giao thông vận tải; Thanh tra Lao động – Thương binh và Xã hội; Thanh tra Tài nguyên và Môi trường.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2021./.
Minh Nguyệt