Thông tư số 07/2011/TT-BTTTT, ngày 01/3/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp Giấy phép hoạt động báo chí trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình.
Thứ năm, 10/03/2011 07:01 (GMT+7)
Theo đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động phát thanh, Giấy phép hoạt động truyền hình, Giấy phép sản xuất kênh chương trình quảng bá; Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp Giấy phép sản xuất chương trình đặc biệt theo quy định.
Tổ chức được cấp Giấy phép hoạt động phát thanh, Giấy phép hoạt động truyền hình phải có hoạt động phù hợp với quy hoạch phát triển phát thanh truyền hình, đáp ứng các điều kiện cơ sở vật chất, tài chính và có đủ các điều kiện về nhân sự. Trong đó, các chức danh lãnh đạo, quản lý phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, trình độ lý luận chính trị cao cấp, có nghiệp vụ quản lý báo chí và phải có Thẻ nhà báo đang còn hiệu lực.
Đồng thời, phải xác định rõ tên gọi của tổ chức dự kiến được cấp Giấy phép hoạt động phát thanh, Giấy phép hoạt động truyền hình; mục đích hoạt động báo chí; tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, ngôn ngữ thể hiện của kênh chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá đầu tiên gắn với sự ra đời của tổ chức đó.
Giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình có hiệu lực 10 năm kể từ ngày ký; riêng Giấy phép sản xuất chương trình đặc biệt, chương trình phụ được ghi trực tiếp trong Giấy phép được cấp, nhưng không vượt quá hiệu lực của Giấy phép sản xuất kênh chương trình quảng bá của tổ chức được cấp phép.
Sau 90 ngày kể từ ngày Giấy phép có hiệu lực mà tổ chức được cấp phép không hoạt động theo nội dung quy định trong giấy phép thì giấy phép được cấp không còn giá trị…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2011; các tổ chức đang hoạt động phát thanh, truyền hình trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư này thì chậm nhất đến ngày 01/5/2012 phải làm thủ tục đề nghị cấp lại Giấy phép.
dotuanh