Tổng Liên đoàn Lao động hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân

Thứ năm, 24/08/2017 08:53
(ThanhtraVietNam) – Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (Nghị định số 159/2016/NĐ-CP), căn cứ quyền hạn, trách nhiệm của Công đoàn quy định tại Luật Công đoàn năm 2012, Luật Thanh tra 2010, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (TTND).

Theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 159/2016/NĐ-CP, Ban TTND ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có từ 3 đến 9 thành viên. Căn cứ vào số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, BCH công đoàn cơ sở dự kiến số lượng thành viên Ban TTND để trình Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức hoặc Hội nghị đại biểu cán bộ, công chức, viên chức (Hội nghị CBCCVC) hoặc Hội nghị người lao động (Hội nghị NLĐ) quyết định.

Trường hợp cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tính đặc thù hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh phân tán thì BCH công đoàn cơ sở quyết định số lượng thành viên Ban TTND phù hợp nhiều hơn số lượng nêu trên, đảm bảo hoạt động có hiệu quả.

Văn bản của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn cụ thể hoạt động của Ban TTND. Theo quy định tại Điều 75 Luật Thanh tra và Điều 34 Nghị định số 159/2016/NĐ-CP, BCH công đoàn cơ sở có trách nhiệm hướng dẫn hoạt động của Ban TTND theo các nội dung: Xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động; hoạt động giám sát; hoạt động xác minh; tham gia cuộc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mình; chế độ làm việc của Ban TTND.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa, nguồn internet

Đồng thời, BCH công đoàn cơ sở có trách nhiệm xem xét, giải quyết kiến nghị của Ban TTND. Đối với kiến nghị liên quan đến nội dung giải quyết việc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, khi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, sử dụng sai mục đích chi, thu ngân sách và các khoản đóng góp, quỹ phúc lợi của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi giám sát của Ban TTND thì BCH công đoàn yêu cầu Ban TTND cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến từng nội dung của kiến nghị, đồng thời nghiên cứu, xem xét kiến nghị của Ban TTND. Khi thấy đủ cơ sở theo quy định pháp luật và quy định của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mình thì làm văn bản gửi cho người đứng đầu đơn vị xem xét, giải quyết và theo dõi việc xem xét, giải quyết. Trường hợp, nội dung kiến nghị chưa đủ cơ sở để kiến nghị thì đề nghị Ban TTND bổ sung tài liệu, chứng cứ để củng cố lập luận cho nội dung kiến nghị đó, nếu không có tài liệu, chứng cứ bổ sung thì thống nhất với Ban TTND loại nội dung đó ra khỏi bản kiến nghị.

Đối với kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách, tổ chức hoạt động Ban TTND và những vấn đề khác, BCH công đoàn cơ sở cần kịp thời giải quyết, hoặc kiến nghị người có thẩm quyền giải quyết để tạo điều kiện, kịp thời động viên, biểu dương, khích lệ hoạt động của Ban TTND.

Đặc biệt, với trường hợp Ban TTND tham gia cuộc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mình thì Chủ tịch công đoàn cơ sở, đại diện BCH công đoàn cơ sở mời Trưởng ban TTND quán triệt và giao thực hiện các việc: Lựa chọn, cử thành viên Ban TTND có năng lực chuyên môn phù hợp với nội dung thanh tra, kiểm tra để tham gia cuộc thanh tra, kiểm tra của cấp trên tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mình; quán triệt cho thành viên Ban TTND được cử tham gia cuộc thanh tra, kiểm tra của Đoàn thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước cấp trên./.

Hoàng Minh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra