Tiếp tục cải cách, hiện đại hóa hải quan, thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại, bảo đảm kiểm soát tuân thủ, bảo đảm nguồn thu, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa hàng hóa qua biên giới; giảm thiểu giấy tờ, giảm chi phí trong thực hiện các thủ tục hành chính. Quyết liệt triển khai để thay đổi căn bản phương thức kiểm tra chuyên ngành theo nguyên tắc đánh giá quản lý rủi ro, áp dụng thông lệ quốc tế, kết nối chia sẻ thông tin giữa cơ quan, tổ chức quản lý, kiểm tra chuyên ngành và với cơ quan Hải quan.
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát nêu trên, Tổng cục Hải quan đề ra các chỉ tiêu cụ thể như sau:
1. Phấn đấu đến hết năm 2017, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu và 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu; đến hết năm 2020, thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 60 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 80 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu (Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, Chính phủ đã giao cho các cơ quan trong đó có ngành Hải quan rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới tối đa 10 ngày (240 giờ) đối với hàng hóa xuất khẩu và 12 ngày (288 giờ) đối với hàng hóa nhập khẩu). Như vậy, chỉ tiêu Chính phủ giao năm 2017, kể cả đến hết năm 2020, là cao hơn nhiều so với năm 2016. Điều này đòi hỏi toàn Ngành phải nỗ lực rất nhiều mới có thể phấn đấu thực hiện được các chỉ tiêu Chính phủ giao.
2. Phấn đấu đến hết năm 2017, cải thiện vị trí xếp hạng về thời gian thực hiện giao dịch thương mại qua biên giới từ thứ hạng 93 về thứ hạng dưới 82 (theo đánh giá của Ngân hàng thế giới).
3. Trong năm 2017, 100% dịch vụ công của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3; 70% dịch vụ công thuộc các lĩnh vực cốt lõi của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến mức độ 4.
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cụ thể nêu trên, ngành Hải quan đã tổ chức rà soát toàn bộ các nhiệm vụ, chỉ tiêu được Chính phủ giao cho Ngành trong Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Bộ để đề ra 11 nhóm nhiệm vụ, 29 giải pháp gắn với 39 sản phẩm đầu ra cụ thể trong Kế hoạch hành động ban hành kèm theo Quyết định số 737/QĐ-TCHQ. Một số nhiệm vụ, chỉ tiêu như sau:
(i) Về hoàn thiện pháp luật hải quan:
- Tiếp tục xây dựng để hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Đặc biệt, tập trung nguồn lực xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung; xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 02/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; hoàn thiện Thông tư sửa đổi Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; xây dựng Thông tư hướng dẫn về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Thông tư ban hành danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam và các văn bản khác.
- Xây dựng, phối hợp xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia.
- Xây dựng và thực hiện Đề án kết nối trao đổi thông tin bằng phương thức điện tử giữa cơ quan Hải quan với các doanh nghiệp kinh doanh kho bãi tại cảng biển, cảng hàng không; Đề án công nghệ thông tin thực hiện quản lý hải quan đối với doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu.
- Thống kê, rà soát lại các quy trình nghiệp vụ hải quan để chỉnh lý và xây dựng sổ tay nghiệp vụ.
(ii) Về nâng cao công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu:
Tiếp tục triển khai toàn diện Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong giai đoạn mới, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ:
- Chủ động phối hợp Bộ, ngành xây dựng và ban hành đầy đủ danh mục các mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành theo hướng thu hẹp diện kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, chi tiết mã số HS và áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành, chuyển từ kiểm tra trong thông quan sang kiểm tra sau thông quan; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành làm căn cứ để kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
- Tăng cường và nâng cao năng lực cho Cục Kiểm định hải quan và các Chi cục Kiểm định chủ động tham gia hoạt động phân tích, giám định, kiểm tra chuyên ngành đối với một số hàng hóa xuất nhập khẩu trên cơ sở các quy định pháp luật về giám định chất lượng và ủy quyền của các Bộ quản lý chuyên ngành liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu;
- Chủ động trình Chính phủ xây dựng Nghị định về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay;
- Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành để đẩy mạnh, khuyến khích xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để đáp ứng được chỉ tiêu rút ngắn thời gian thông qua hàng hóa xuất nhập khẩu.
(iii) Về thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN:
Ngày 14/11/2016, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2185/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 - 2020. Năm 2017 và những năm tiếp theo, Tổng cục Hải quan tổ chức thực hiện toàn diện Quyết định này. Theo đó:
- Mở rộng các thủ tục hành chính thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia;
- Tích hợp các dịch vụ hỗ trợ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia như dịch vụ thanh toán điện tử đối với các khoản thuế, phí, lệ phí được áp dụng đối với 100% các thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa quốc gia; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước trong quá trình triển khai Cơ chế một cửa quốc gia; dịch vụ báo cáo và chia sẻ dữ liệu thống kê (report) về các thủ tục hành chính triển khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
(iv) Nhiệm vụ khác:
- Tiếp tục hoàn thiện Hệ thống thông quan điện tử tự động VNACCS/VCIS. Chuẩn bị triển khai giai đoạn 2 Dự án Hệ thống VNACCS/VCIS khi được Chính phủ Nhật Bản phê duyệt;
- Hàng năm, giảm tỷ lệ kiểm tra luồng vàng, luồng đỏ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu;
- Tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan; công tác điều tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;
- Xây dựng cơ chế kiểm soát về xuất xứ, chế độ quản lý đối với các loại hình hàng hoá, phương tiện vận tải phù hợp cam kết theo đúng lộ trình;
- Mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, theo đó trong năm 2017, phấn đấu đạt 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3; 70% dịch vụ công thuộc các lĩnh vực cốt lõi của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến mức độ 4./.
L.A