Thành phố Hồ Chí Minh:

Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương năm 2022

Thứ sáu, 16/09/2022 10:03
(ThanhtraVietNam) - UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương - DDCI (Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương) năm 2022.

Tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh

Kế hoạch nhằm mục tiêu thực hiện khảo sát, đánh giá năng lực điều hành kinh tế của các sở - ban, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy thi đua, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế xã hội giữa các Sở - ban, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện để từ đó tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực.

Thực hiện khảo sát, đánh giá trách nhiệm xã hội và năng lực quản trị của doanh nghiệp trên địa bàn TP tiến tới đo lường và cải thiện thường niên năng lực quản trị và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Tạo kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương và các Sở - ban, ngành.

Đánh giá công tác điều hành của các chính quyền địa phương và một số sở - ban, ngành trong năm 2022, nghiên cứu giải pháp để nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP trong những năm tiếp theo; đồng thời đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại của những lĩnh vực được khảo sát.

Tạo sự lan tỏa truyền thông mạnh mẽ về DDCI của TP như là điểm nhấn quan trọng trong nỗ lực triển khai cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ; thực hiện tốt chủ đề năm 2022 của TP “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Tổng hợp thông tin, tiếp tục tạo nền tảng tương tác giữa cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư; tạo kênh chủ động tiếp nhận thông tin từ cộng đồng doanh nghiệp để công tác hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng hiệu quả, kịp thời và thiết thực. 

leftcenterrightdel
Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị trực tuyến ngày 15/9 (Ảnh: TU.TPHCM) 

Phạm vi, quy mô khảo sát là các doanh nghiệp đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn TPHCM; các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể. Số lượng dự kiến khoảng 15.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể (kỳ vọng tỷ lệ hồi đáp 25 - 30%). Trong đó, 8.000 doanh nghiệp đánh giá khối địa phương, 7.000 doanh nghiệp đánh giá khối Sở - ban, ngành.

Nội dung khảo sát, điều tra lấy ý kiến là các chỉ số thành phần DDCI năm 2022 gồm: (1) Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; (2) Tính năng động và hiệu lực của hệ thống Sở - ban ngành và chính quyền địa phương; (3) Chi phí thời gian; (4) Chi phí không chính thức; (5) Cạnh tranh bình đẳng; (6) Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; (7) Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (nội dung an ninh trật tự chỉ áp dụng cho khối địa phương); (8) Vai trò của người đứng đầu Sở - ban, ngành và chính quyền địa phương. Riêng khối địa phương sẽ đánh giá thêm Chỉ số tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất. Các chỉ số có thể được điều chỉnh (thêm/bớt) trong quá trình xây dựng bộ chỉ số DDCI của đơn vị tư vấn cho phù hợp với thực tiễn của TP và phải được UBND TP phê duyệt.

Sử dụng câu hỏi mở để tiếp thu ý kiến đóng góp, hiến kế của doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp về cơ chế chính sách của TP, cải thiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính và tinh thần, thái độ của các cấp chính quyền thuộc TP nhằm nâng cao chất lượng điều hành, góp phần xây dựng TPHCM gắn với hình ảnh môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Thời gian tiến hành khảo sát từ ngày 15/10/2022 đến 15/1/2023; tổ chức công bố báo cáo kết quả DDCI năm 2022 và triển khai Kế hoạch DDCI năm 2023 trước ngày 15/3/2023.

Thống nhất về quy trình, cơ sở dữ liệu và hạ tầng để địa phương dễ thực hiện

Ngày 15/9, Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết từ năm 2021 đến nay, TP đã thí điểm triển khai tháng hành động tiếp nhận và giải quyết TTHC trong ngày và đến nay kết quả rất tốt. Từ kết quả này, TP chỉ đạo các sở - ngành, địa phương tiếp tục phát huy từ nay đến cuối năm. TP hiện đang rà soát các danh mục các TTHC từ đây về sau sẽ giải quyết trong ngày để triển khai thường xuyên.

Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ CCHC tại các sở - ngành, địa phương đã được triển khai tốt như: Sở Tài nguyên và Môi trường TP liên thông dữ liệu địa chính và thuế để làm nghĩa vụ tài chính về đất đai, công bố dữ liệu nền về đất đai.

TP cũng theo dõi tiếp nhận và kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân thông qua Tổng đài 1022; cập nhật 50 chỉ tiêu và phấn đấu đến cuối năm sẽ cập nhật đầy đủ 110 chỉ tiêu theo Quyết định 54 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP kiến nghị các Bộ - ngành cần có sự thống nhất về quy chế, quy định, quy trình; cơ sở dữ liệu và hạ tầng để địa phương dễ thực hiện; đẩy nhanh đơn giản hóa TTHC để địa phương có thể cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 và liên thông điện tử giữa các cá nhân, tổ chức dễ thực hiện; nên có 1 nền tảng thanh toán điện tử chung.

Chủ tịch UBND TP cũng kiến nghị khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thì cần đa dạng hình thức, cách thức thực hiện và thành phần số lượng hồ sơ để cá nhân và tổ chức cũng như cơ quan hành chính nhà nước giải quyết có thể lựa chọn./.

Đình Thuyết
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra