Về quyền tiếp cận thông tin trong hoạt động báo chí hiện nay

Thứ sáu, 27/05/2022 16:37
(ThanhtraVietNam) - Báo chí giúp cho người dân cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác những thông tin từ phía các cơ quan nhà nước. Đồng thời, người dân có thể phản ánh tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc tới các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội. Trong xã hội hiện đại, với xu thế hội nhập, bùng nổ thông tin như hiện nay thì vai trò của báo chí ngày càng quan trọng. Báo chí có vai trò là phương tiện để mọi công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tiếp cận thông tin của mình.

Quyền tiếp cận thông tin trong hoạt động báo chí

Quyền được tiếp cận thông tin thuộc nhóm quyền dân sự, chính trị, là quyền cơ bản của con người, được pháp luật các quốc gia và cộng đồng quốc tế công nhận. Trong pháp luật Việt Nam, quyền được tiếp cận thông tin đã được ghi nhận trong các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Điều 69 Hiến pháp năm 1992 của Nhà nước ta đã khẳng định: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật". Trải qua hơn mười năm, trong điều kiện đất nước, xã hội có nhiều thay đổi nhưng quyền được thông tin tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp...". Quyền tiếp cận thông tin của công dân là quyền hiến định, được pháp luật ghi nhận đầy đủ và rõ ràng.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh một cuộc Họp báo cung cấp thông tin tình tình kinh tế - xã hội quý I năm 2022. Ảnh: PV

Ngoài Hiến pháp là đạo luật gốc, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta, nhiều văn bản luật đã cụ thể hóa quyền tiếp cận thông tin của công dân như Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Đất đai năm 2013, Luật Báo chí năm 2016, Luật Tố cáo năm năm 2018, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 hay Luật Tiếp cận thông tin năm 2018. Từ đó cho thấy, quyền được tiếp nhận thông tin được quy định tương đối đầy đủ, rõ ràng trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta.

Tuy nhiên, nhìn chung, công dân trực tiếp thực hiện quyền được tiếp cận thông tin đối với cơ quan nhà nước vẫn còn những khó khăn. Không những khó khăn cho cả cá nhân, công dân đó mà còn khó khăn cho cả phía cơ quan nhà nước. Về phía cá nhân, trừ những trường hợp đặc biệt (khiếu nại, tố cáo), còn lại cá nhân khó có thể tự mình để tiếp cận thông tin. Những khó khăn có thể kể đến như khoảng cách về không gian, thủ tục hành chính... Về phía các cơ quan nhà nước, phải bố trí một bộ phận để cung cấp thông tin cho người dân trong khi chúng ta đang xây dựng bộ máy tinh giản, gọn nhẹ là không khả thi. Hơn nữa, việc tiếp nhận và truyền tải thông tin của người dân có thể không chính xác (trong trường hợp người dân truyền đạt lại cho nhau). Vì những lý do đó cho thấy việc sử dụng báo chí để thực hiện quyền tiếp nhận thông tin của Nhân dân là vô cùng quan trọng.

Báo chí giúp cho người dân cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác những thông tin từ phía các cơ quan nhà nước. Đồng thời, người dân có thể phản ánh tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc tới các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội. Trong xã hội hiện đại, với xu thế hội nhập, bùng nổ thông tin như hiện nay thì vai trò của báo chí ngày càng quan trọng. Báo chí có vai trò là phương tiện để mọi công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tiếp cận thông tin của mình.

Trong hoạt động báo chí, phạm vi hành nghề của các cơ quan báo chí phải tuân thủ các quy định của Luật Báo chí. Luật Báo chí hiện hành quy định rõ ràng về nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan báo chí, đồng thời quy định quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận của Nhân dân. Điều 4 Luật Báo chí năm 2016 khẳng định vai trò của cơ quan báo chí: Báo chí ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của Nhân dân. Từ quy định này có thể hiểu vai trò cơ quan báo chí là cầu nối, kết nối giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và Nhân dân. Qua báo chí, người dân tiếp cận các thông tin từ phía các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội một cách nhanh chóng, kịp thời và đầy đủ, chính xác, công khai. Cơ quan báo chí là cơ quan đặc thù, vừa thực hiện việc tiếp nhận thông tin, cung cấp thông tin và là nơi trao đổi thông tin. Cơ quan báo chí thực hiện việc tiếp nhận thông tin từ các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và cung cấp thông tin này cho người dân. Đồng thời, cơ quan báo chí thu nhận thông tin từ người dân, xác minh và chuyển tới cơ quan nhà nước. Điều này đòi hỏi quyền được tiếp cận thông tin của báo chí phải được thực hiện triệt để, báo chí phải được tiếp cận với những thông tin chính thống, chính xác và kịp thời để cung cấp cho Nhân dân. Để làm được điều đó, pháp luật phải trao cho cơ quan báo chí những đặc quyền nhất định để thực hiện chức năng thông tin của mình.

Điều 38 Luật Báo chí quy định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp cho báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin. Đối với vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin. Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu các tổ chức, người có chức vụ trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí; các tổ chức, người có chức vụ có trách nhiệm trả lời trên báo chí. Điều này cho cho chúng ta thấy, các cơ quan báo chí cũng được Luật Báo chí trao cho những quyền đặc biệt để thực hiện nhiệm vụ của mình đó là quyền được tiếp cận với những thông tin. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 09/NĐ-CP về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Quyết định này quy định về chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho cơ quan báo chí, tạo thuận lợi cho cơ quan báo chí trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội.

Nhìn chung, quyền tiếp cận thông tin của cơ quan báo chí đã được quy định tương đầy đủ, rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quyền tiếp cận thông tin của nhà báo, của cơ quan báo chí trên thực tế hiện nay vẫn còn những khó khăn. Không ít nhà báo đã phải than thở rằng, để làm tuyên truyền quảng bá, người ta cũng không muốn tiếp chứ chưa nói đến việc khai thác thông tin về vấn đề “nhạy cảm”.

Những khó khăn, vướng mắc    

Pháp luật hiện hành quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, nghĩa vụ trả lời báo chí của người đứng đầu cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội tạo điều kiện cho báo chí thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu tiếp cận thông tin của nhân dân. Tuy nhiên, những quy định này chưa có chế tài để bảo đảm thực hiện, dẫn tới tình trạng cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội chưa thực sự hợp tác và chưa coi việc cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí là trách nhiệm phải thực hiện của mình, từ chối cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không kịp thời. Việc thiếu các quy định ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc công khai thông tin trong một số trường hợp là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lợi dụng vị trí đặc quyền trong tiếp cận thông tin để trục lợi, gây nên sự bất bình đẳng, thiếu công bằng trong xã hội (như trong trường hợp quy hoạch đô thị, giải phóng mặt bằng...). Việc thiếu minh bạch, công khai của các cơ quan nhà nước đã phần nào làm hạn chế sự tham gia của công dân, tổ chức vào hoạt động quản lý nhà nước với vai trò là người giám sát, phản biện. Điều này cũng dẫn tới những trường hợp giấu thông tin, từ chối cung cấp thông tin cho người dân, cho báo chí để trốn tránh trách nhiệm.

Pháp luật hiện hành (Điều 1, 4, 5, 6, 7 Pháp lệnh số 30/2000/PL-UBTVQH của Quốc hội về Bảo vệ Bí mật Nhà nước) quy định về thông tin thuộc bí mật nhà nước ở các cấp độ mật, tuyệt mật, tối mật. Tuy nhiên, trên thực tế việc lạm dụng dấu "mật", "tuyệt mật" của các cơ quan nhà nước vẫn là một khó khăn trong việc tiếp cận thông tin của Nhân dân và cả cơ quan báo chí. Ví dụ như trường hợp một nhà báo công bố thông tin trong một văn bản lên báo, sau đó bị kiện với lý do văn bản đó có đóng chữ “mật”, trong khi chưa có quy định đáng tin cậy nào cho việc đóng chữ “mật” đó. Do vậy, vần có những giải pháp để kiểm soát tình trạng này.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế người phát ngôn, có trách nhiệm cung cấp thông tin chính thống cho báo chí. Tuy nhiên, việc thực thi vẫn có nhiều khó khăn trên thực tiễn. Người phát ngôn của các cơ quan tổ chức đa phần là kiêm nhiệm, thậm chí có cơ quan chưa có người phát ngôn, chưa được tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về hoạt động cung cấp thông tin, hoặc có tập huấn nhưng tiếp thu cũng không đầy đủ, do đó khó đáp ứng yêu cầu hoạt động cung cấp thông tin của cơ quan, đơn vị ngay khi luật có hiệu lực thi hành. Bởi vậy, khi báo chí yêu cầu cơ quan cung cấp thông tin thì người phát ngôn “bận”, hoặc chưa có người phát ngôn thì đùn đẩy trách nhiệm giữa các cá nhân nên báo chí không tiếp cận được với nguồn tin hoặc tiếp cận không kịp thời.

Luật Tiếp cận thông tin năm 2018 đã có hiệu lực thi hành gần 4 năm nhưng trên cổng thông tin điện tử các cơ quan, ban, ngành vẫn chưa tìm thấy thông tin về đầu mối cung cấp thông tin, danh mục thông tin bắt buộc phải công khai. Rất ít cơ quan công khai đầy đủ tên, điện thoại, email cá nhân cán bộ thực thi việc cung cấp thông tin. Việc rà soát, lập danh mục thông tin được công khai, thông tin không được công khai, thông tin được tiếp cận có điều kiện tại các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai còn chậm. Cán bộ được giao làm đầu mối cung cấp thông tin của các cấp, các ngành chủ yếu kiêm nhiệm. Mặc dù các quy định minh bạch, công khai thông tin được đưa vào Luật Báo chí năm 2016, tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn những khoảng trống trong việc thực hiện các quy định, khiến công chúng nói chung và báo chí nói riêng vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thông tin.

Vì chưa có những chế tài pháp lý ràng buộc trách nhiệm cho nên trong một số trường hợp cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và người đứng đầu chưa thật sự coi đây là nhiệm vụ của mình và hợp tác với cơ quan báo chí trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, việc "né" cung cấp thông tin cho báo chí vẫn là tình trạng xảy ra trên thực tiễn.

Mặt khác, thực hiện quyền tiếp cận thông và chức năng thông tin tuyên truyền có hiệu quả hay không cũng phụ thuộc vào năng lực và kỹ năng của người làm báo, để thực hiện quyền được tiếp cận thông tin đã quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Có những nhà báo, cán bộ của cơ quan báo chí chưa có kỹ năng nghiệp vụ để nắm bắt và khai thác, yêu cầu cung cấp thông tin, do đó chưa khai thác được những thông tin cần thiết, kịp thời để cung cấp cho Nhân dân.

Các giải pháp căn bản để thực thi có hiệu quả về quyền tiếp cận thông tin của báo chí

Luật Báo chí năm 2016 hiện hành đã quy định rõ hơn quyền và trách nhiệm của cơ quan báo chí, đã tạo hành lang pháp lý tốt hơn để bảo vệ các nhà báo. Từ đó, tạo điều kiện để nhà báo, cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình, đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của Nhân dân. Để phát huy có hiệu quả về quyền tiếp cận thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của Luật, trước tiên các nhà báo và cán bộ các cơ quan báo chí, cần nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, trình độ của các nhà báo. Các nhà báo, người của cơ quan báo chí phải có kiến thức, có kỹ năng để yêu cầu người có thẩm quyền, cơ quan chức năng trả lời những câu hỏi, những vấn đề mà xã hội quan tâm. Việc tìm đúng người, trúng vấn đề xã hội quan tâm, tránh tình trạng nhà báo lúng túng, không xác định được trọng tâm vấn đề mình cần hỏi và không xác định được thẩm quyền của cá nhân, tổ chức để giải đáp cho câu hỏi của mình. Điều này không những làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan báo chí mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới việc truyền tải thông tin chính xác, kịp thời cho người dân, ảnh hưởng đến quyền được tiếp cận thông tin của Nhân dân.

Bên cạnh đó, các cơ quan công quyền cần công khai thông tin lên trang thông tin điện tử. Đây là một trong những phương thức hữu hiệu để báo chí và người dân được chủ động và dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thông tin mà không phải yêu cầu các cơ quan, tổ chức cung cấp. Việc tiếp cận thông tin của người dân có hiệu quả hay không tuỳ thuộc vào việc các cơ quan, tổ chức quản lý, nắm giữ thông tin có chủ động và tích cực đăng tải, phổ biến các loại thông tin này ngay cả khi không có yêu cầu của người dân. Các trang thông tin điện tử này là một kênh quan trọng trong việc đăng tải thông tin liên quan đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức.

Đồng thời, các cơ quan công quyền cần thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin trong cơ quan: Các cơ quan cần tổ chức tốt việc cập nhật các thông tin do mình đang quản lý, công bố thông tin, lưu giữ thông tin sao cho việc tìm kiếm thông tin dễ dàng; bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất khác nhằm mục đích tạo thuận lợi cao nhất cho việc tiếp cận thông tin.

Cũng cần ban hành Luật Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, trong đó xác định các thông tin không được tiếp cận do Quốc hội quyết định chứ không phải do các cơ quan hành chính nhà nước quyết định, phân loại các thông tin không được tiếp cận, quy định cụ thể các trường hợp từ chối cung cấp thông tin...

Và trên hết, các cơ quan quản lý báo chí và chính người làm báo cần bảo vệ mình, bảo vệ thông tin chính đáng, bằng cách nắm vững Luật. Quyền tiếp cận thông tin là quyền của mọi công dân được Hiến pháp ghi nhận. Luật Tiếp cận thông tin cũng quy định nội hàm của quyền này, bao gồm cả trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc công khai, minh bạch một số thông tin trong một số lĩnh vực cụ thể thuộc phạm vi hoạt động của cơ quan, tổ chức đó./.

Lan Oanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra