Trên nhiều địa bàn phường, xã, quận huyện thuộc Hà Nội những ngày qua xảy ra tình trạng tăng giá các sản phẩm Kit test nhanh Covid-19. Một người dân sinh sống tại quận Bắc Từ Liêm kêu ca, “không biết lực lượng chức năng, cơ quan nào có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát việc tăng giá Kit test sau đợt này hay không, chỉ biết hiện tại gia đình tôi phải mua với giá 80.000 đồng/Kit đắt hơn so với 2 ngày trước 20.000đ”.
Nhiều hộ gia đình có đông thành viên, khi được xác định là các F1, cơ quan và đơn vị yêu cầu test hàng ngày thì chi phí phát sinh không hề ít với người làm công, ăn lương.
Trên thị trường hiện giá các loại Kit test “biến động” từng ngày và hiện tại không phải hiệu thuốc nào cũng có hàng để bán. Đến những “chợ online” trên mạng cũng gặp phải tình trạng tương tự khi “nguồn hàng” chậm, chưa thể trả lời về số lượng và giá cung cấp.
Theo khảo sát tại thị trường các bộ Kít test nhanh Covid-19 đang được bán lẻ với mức giá dao động từ 80.000 - 120.000 đồng/bộ, cá biệt một số nơi có thể tăng cao hơn, không rõ tùy vào quyết định của chủ hiệu thuốc hay “đầu nguồn hàng”... Tình trạng này không chỉ xảy ra tại Hà Nội mà nhiều thành phố khác khi dịch bệnh vẫn gia tăng về số lượng người mắc mới.
Trả lời báo chí mới đây, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế nhận định, Bộ đã nắm được thông tin hiện nay có tình trạng khan hiếm cục bộ và giá cả không thống nhất đối với kit test nhanh SARS-CoV-2.
Theo đại diện trên, qua các kênh thông tin cho thấy đã có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán trang thiết bị y tế bất hợp lý. Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phối hợp chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn chủ động hoạt động sản xuất, kinh doanh khả năng cung ứng trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo bình ổn giá trang thiết bị y tế; đồng thời, phối hợp chỉ đạo cơ quan chức năng, quản lý thị trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, kiểm tra và ngăn chặn các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán giá các trang thiết bị y tế phòng chống dịch bất hợp lý.
Kit test Covid-19 cần được đưa vào mặt hàng bình ổn giá để đến tay người dân. Ảnh: T.A
Ngày 22/02/2022, Tổng cục Quản lý Thị trường (QLTT), Bộ Công Thương) ban hành công văn số 235/TCQLTT-CNV gửi Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng Kit test Covid-19.
Trong công văn Tổng cục nêu rõ, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu mua Kit test Covid-19 của người dân tăng cao. Thời gian gần đây, theo phản ánh của các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội có hiện tượng một số đối tượng buôn bán mặt hàng Kit test Covid-19 và các sản phẩm thuốc điều trị Covid-19 chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành, có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng.
Để đảm bảo quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Đội QLTT chủ động thu thập thông tin, tăng cường công tác quản lý địa bàn để chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi buôn bán mặt hàng Kit test Covid-19, thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19; đồng thời, yêu cầu cán bộ, công chức trong đơn vị thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của ngành Y tế và Văn phòng Tổng cục QLTT.
Trên thực tế, việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư y tế tiêu hao, thuốc chữa bệnh thời gian qua trên toàn quốc đã được Thanh tra Chính phủ thanh tra và kết luận nhiều vi phạm về đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư y tế tiêu hao, thuốc chữa bệnh. Trách nhiệm của nhiều sở, ngành liên quan đến sai phạm trong quản lý việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh vẫn còn đó. Đối với Kit test tăng giá, khan hàng trên thị trường, dù tăng giá vài chục nghìn đồng, nhưng cộng dồn một nhu cầu “khổng lồ” về việc sử dụng như hiện nay thì “món lợi” không hề nhỏ chút nào.
Còn nhớ, khi dịch bệnh Covid-19 mới bắt đầu phát sinh làn sóng dịch đầu tiên, câu chuyện các nhà thuốc, đơn vị phân phối đẩy giá lên cao nhằm hưởng lợi từ những hộp khẩu trang sau đó đã được thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường xử phạt một số vụ việc. Dư luận thời điểm đó, lên án việc đẩy giá lên cao trong tình trạng khan hàng và bối cảnh người dân đang hoang mang, lo sợ về dịch bệnh là không có đạo đức kinh doanh, rồi hưởng lợi trên nỗi sợ của người khác...
Bởi vậy, các lực lượng chức năng, Bộ Y tế, Sở Y tế, QLTT và chính quyền các địa phương cần vào cuộc phối hợp để kịp thời thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm để đưa giá Kit test về đúng giá trị niêm yết và đảm bảo chất lượng, chủng loại được cấp phép.
Tràng An