Ðảo thiêng nồng ấm tình người

Thứ bảy, 09/11/2013 07:54
Mỗi khi nhắc đến địa danh Côn Ðảo, quần đảo tiền tiêu phía đông nam Tổ quốc, bất cứ người Việt Nam nào cũng luôn tự hào về ý chí và nghị lực, về niềm tin và chiến thắng.

 

Du khách thăm rừng ngập mặn tại Hòn Bảy Cạnh thuộc Vườn Quốc gia Côn Ðảo.

 Ðến mảnh đất thiêng ấy, có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu những nụ cười thân thiện, những cái chìa tay sẵn sàng giúp đỡ của người dân. Người dân đảo khoáng đạt như biển khơi cũng đang bị cuốn vào cuộc sống hối hả, nhưng vẫn nặng nghĩa, nặng tình. Bởi vậy, cơ hội được đặt chân đến "địa ngục trần gian" năm xưa, "thiên đường" du lịch hôm nay luôn là ước mong của nhiều người.

Cách thành phố Vũng Tàu gần 180 km về phía đông nam, vào mùa nào thì Côn Ðảo, huyện đảo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có sức hút đặc biệt với khách du lịch, nhưng đông nhất vẫn vào mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 11.

Suốt cả quãng đường 12 km từ sân bay về trung tâm huyện đảo, Võ Minh, anh tài xế ta-xi nhiệt tình giới thiệu cho chúng tôi: "Ðảo rộng hơn 76 km2, khoảng bảy nghìn dân, nhất là có nhiều cái một: một trường cấp ba, một bệnh viện, một chợ, một Ủy ban Nhân dân (không có xã), một cây xăng...". Là người dân gốc đảo, anh say sưa kể tường tận về lịch sử và địa lý Côn Ðảo như thể một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp.

Hơn 38 năm sau ngày giải phóng, Côn Ðảo không chỉ là nơi "đất lành chim đậu" của cư dân 55 tỉnh, thành phố tới làm ăn, sinh sống mà còn là điểm đến hấp dẫn du khách. Ðón được nhu cầu lưu trú của khách tham quan, nhiều hộ gia đình đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp nhà ở làm nhà nghỉ. Những khu phố mới mọc lên nhiều khách sạn mi-ni, khách sạn gia đình và hầu hết đều lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời. Chục năm về trước, cả huyện đảo chỉ lèo tèo vài khách sạn nhỏ, giờ Côn Ðảo có 43 cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà nghỉ được hộ gia đình đầu tư phục vụ du lịch. Hiện 585 phòng trên cả đảo có thể đón khoảng 1.500 khách mỗi ngày, trong đó có 193 phòng của hộ gia đình. Không khó tìm quán hàng ăn uống ở đây, khách du lịch có nhiều lựa chọn và thực đơn phong phú, nhưng không bắt gặp cảnh níu kéo mời chào, tranh giành khách.

Gọi là Khu di tích nhà tù Côn Ðảo, di tích lịch sử đặc biệt quốc gia nhưng Ban quản lý di tích này phải quản lý tới 20 điểm di tích nằm rải rác trên đảo, trại tù nhỏ nhất cũng 1 ha, điểm rộng nhất như Nghĩa trang Hàng Dương tới 19 ha, nơi mà bất cứ ai từng đến Côn Ðảo đều mong chờ giây phút được thắp nén nhang trên mộ nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn An Ninh, cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu... Những năm qua, nhiều chương trình tua đến các điểm di tích này thu hút đông đảo du khách, mang tới cho họ những trải nghiệm khó quên.

Hòa vào dòng người ghé thăm các điểm di tích, dừng chân tại trại Phú Hải, trại tù xây dựng đầu tiên trên đảo, câu chuyện của nữ hướng dẫn viên Vũ Thị Quý, quê Ninh Bình, tình nguyện ra đảo lập nghiệp khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Những cảm xúc dâng tràn khi lịch sử được tái hiện. Trong suốt 113 năm tồn tại (1862-1975), trải qua nhiều cuộc tra tấn với những hình thức cực kỳ dã man ở chuồng cọp, hầm xay lúa chốn "địa ngục trần gian", đã có gần 20 nghìn chiến sĩ cách mạng anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thời kỳ cao điểm nhất là những năm 1969 đến năm 1972, có hơn 12 nghìn người bị giam cầm tại Côn Ðảo. Mong muốn giúp du khách hiểu hơn về trường học cách mạng, đồng thời quảng bá cảnh quan, con người, tiềm năng Côn Ðảo hôm nay, Giám đốc Ban Quản lý di tích Côn Ðảo Nguyễn Thị Thanh Vân giới thiệu: Hiện nay, Ban quản lý di tích bố trí các phòng chiếu phim tư liệu, phóng sự về Côn Ðảo xưa và nay tại các điểm di tích, như khu chuồng cọp trưng bày khá ấn tượng theo chủ đề "Âm vang chuồng cọp", còn trại Phú Hải có phòng triển lãm những hình ảnh tư liệu lần đầu công bố. Trong khi đó, Bảo tàng Côn Ðảo vừa được khánh thành trong khuôn viên rộng hơn 20.000 m2, lại là sự kết hợp của các hạng mục di tích lịch sử đặc biệt quốc gia cùng những danh thắng mà thiên nhiên ban tặng cho Côn Ðảo, tạo thành chuỗi du lịch đa dạng, phong phú, được xem là sản phẩm văn hóa không thể thiếu, phục vụ du khách trong nước và ngoài nước đến với Côn Ðảo.

Có điều khác biệt và lạ lẫm là khắp đảo, ở đâu cũng thấy những cây bàng xanh mướt, những góc phố tĩnh lặng rợp bóng bàng cổ thụ đẹp nao lòng, những cây bàng hơn trăm tuổi không hiếm trên đảo được công nhận là "cây di sản". Dọc bờ biển, đường Tôn Ðức Thắng lặng lẽ với hàng cây bàng cổ thụ thân cao, gốc sần sùi, to đến vài vòng tay người ôm. Côn Ðảo còn có di tích cầu tàu lịch sử 914, nơi chứng kiến những nhục hình đầu tiên mà chế độ nhà tù thực dân dành cho những người tù bị đưa ra Côn Ðảo, nơi 914 người tù đã ngã xuống và cũng là nơi chứng kiến giây phút đầy xúc động khi Côn Ðảo được giải phóng.

Côn Đảo nhỏ xinh cho nên chỉ một hai ngày là đã quen đường đi lối lại. Dạo bộ hay đi xe đạp, xe máy chầm chậm qua những con đường chênh vênh vòng quanh đảo, bên núi, bên biển, đều lý tưởng để vừa ngoạn cảnh vừa thư giãn. Thuê xe máy ở đảo với giá khoảng 120 nghìn đồng mỗi ngày rất thuận tiện để kết nối hết các điểm tham quan trong ngày. Mưa ở Côn Ðảo ngắn ngủi, thoắt mưa, thoắt tạnh. Những đám mây bị núi chia cắt, mưa thường chỉ ào đến trong khoảng hai, ba mươi phút. Dù sao, đến một nơi vừa rừng vừa biển, hẳn giống chúng tôi, du khách sẽ tìm thấy cảm giác thanh bình, yên tĩnh khác xa cuộc sống ồn ào nơi phố thị.

Hơn 88% diện tích Côn Ðảo là đồi núi, nhưng hiếm khi xảy ra vi phạm về bảo vệ rừng, hầu như không có cháy rừng từ hai mươi năm nay. Tổng diện tích được bảo vệ của Vườn Quốc gia Côn Ðảo là 20.000 ha, trong đó 14.000 ha là biển và 6.000 ha là rừng trên 14 hòn đảo. "Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên là nhiệm vụ đặt ra hàng đầu với vườn quốc gia nhưng điều mừng là người dân đảo rất có ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường", ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm môi trường và dịch vụ môi trường, Vườn quốc gia Côn Ðảo chia sẻ.

Vườn quốc gia Côn Ðảo bao gồm cả các hệ sinh thái biển và ven bờ như rừng ngập mặn, các rạn san hô và thảm cỏ biển. Hơn 1.300 loài sinh vật biển được xác định ở đây. Bên cạnh nhiều loài quý hiếm mà điển hình là dugong (bò biển), đây là khu vực đẻ trứng quan trọng nhất của rùa biển ở Việt Nam. Hàng trăm nghìn rùa con đã được thả về biển và gần một nghìn con rùa trưởng thành đã được gắn thẻ. Ðến Côn Ðảo, du khách có thể thấy những tấm biển lớn kêu gọi bảo vệ rùa biển và dugong được đặt ở những nơi công cộng, tại các khách sạn, các địa điểm du lịch. Và cũng hiếm có nơi nào mà 12 trạm kiểm lâm chính là 12 điểm đến du lịch, trong đó mỗi cán bộ kiểm lâm cũng là một hướng dẫn viên du lịch. Ðiều này giải thích tại sao Côn Ðảo có khả năng phát triển tốt loại hình du lịch sinh thái.

Du lịch Côn Ðảo còn mang đến những trải nghiệm cảnh quan hùng vĩ của 16 hòn đảo lớn, nhỏ. Muốn tắm biển và tìm đến thiên nhiên hoang sơ thì vào khu rừng nguyên sinh Ông Ðụng, Sở Rẫy, tuyến du lịch sinh thái rừng biển mới, hấp dẫn của Vườn quốc gia Côn Ðảo. Khách có thể câu cá tại Hòn Bông Lan, câu mực ở mũi Tàu Bể, lặn biển tại Hòn Tre, xem rùa biển bò lên bãi cát đẻ vào ban đêm tại hòn Bảy Cạnh... Những bãi biển hoang sơ và làn nước xanh trong vắt, những khu rừng nguyên sinh được bảo tồn khá tốt, bầu không khí trong lành và cuộc sống yên bình của người dân hiền hòa trên đảo, đó là yếu tố mà Tạp chí du lịch nổi tiếng Travel Leisure của Mỹ từng bình chọn Côn Ðảo là một trong những hòn đảo bí ẩn quyến rũ nhất thế giới.

Thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên với hệ sinh thái đa dạng và phong phú về rừng và biển cùng nhiều di tích lịch sử cách mạng rõ ràng giúp cơ cấu kinh tế của huyện Côn Ðảo chuyển dịch dần theo hướng phát triển dịch vụ, du lịch. Dự báo, tốc độ bình quân khách du lịch tăng 20%/năm, đến năm 2015 có khoảng hơn 136.000 lượt khách/năm, và đến năm 2020 có khoảng 339.000 lượt khách tham quan du lịch Côn Ðảo.

Chủ tịch UBND huyện Côn Ðảo Lê Xá cho biết: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, Côn Ðảo xác định mục tiêu trong vòng mười đến 20 năm tới sẽ trở thành đô thị du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Theo đó, trên cơ sở bảo tồn và tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử, giá trị thiên nhiên biển, đảo, vườn quốc gia và các khu di tích lịch sử cách mạng, Côn Ðảo sẽ ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa lịch sử và các loại hình dịch vụ giải trí hiện đại, đáp ứng nhu cầu lưu trú, nghỉ dưỡng, vui chơi.

Các sản phẩm du lịch sẽ được phát triển trong tương lai khi những phương tiện vận chuyển đường thủy hiện đại đưa khách đến thăm hòn Cau, hòn Tre, hòn Trứng, hang Yến và các hòn khác trong quần đảo. Với lý do xa đất liền, giao thông đi lại khó khăn, phương tiện vận chuyển khách còn hạn chế, đường thủy mất nhiều thời gian, đường hàng không giá dịch vụ cao, huyện đang mời gọi đầu tư mở các tuyến đường biển Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh đến Côn Ðảo và ngược lại; khai thác nhiều chuyến bay và tăng tần suất bay phục vụ chuyên chở khách du lịch. Theo Chủ tịch Lê Xá, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, mở rộng và nâng cấp nhà máy điện, đầu tư phong điện, năng lượng mặt trời... cũng để bảo đảm cung cấp điện cho phát triển du lịch. Ưu tiên phát triển các ngành hỗ trợ du lịch như cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, phát triển nông nghiệp để cung cấp lương thực, thực phẩm sạch phục vụ nhân dân và khách du lịch nhằm chủ động và tránh phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ đất liền, giá cả cao. Hỗ trợ phát triển các mô hình nuôi các loài thủy hải sản, trồng cây ăn trái, các loài rau sạch, những loài hoa có giá trị kinh tế cao. Các cấp chính quyền Côn Ðảo cũng quan tâm, khuyến khích học sinh huyện đảo theo học nghiệp vụ du lịch và bảo tồn, bảo tàng phục vụ công tác di tích tốt hơn, chuyên nghiệp hơn.

Ðảo xa, điểm đến hoang sơ mà quyến rũ, linh thiêng mà nồng ấm tình người là những cảm nhận về Côn Ðảo thanh bình hôm nay, cho cả những ước mong một lần đặt chân tới cũng như cơ hội trở lại nơi này.

Khách du lịch khám phá biển Côn Ðảo (Bà Rịa - Vũng Tàu).


Theo Trà My, Thúy Hà

Nhân dân



 

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra