4 điều kiêng kị trong ngày Tết Hàn thực
Thứ tư, 18/04/2018 08:00 (GMT+7)
Từ xưa đến nay, tại Việt Nam ngày 3.3 âm lịch được gọi là Tết Hàn thực với ý nghĩa đánh dấu bước chuyển mình của vạn vật trước khi bước sang mùa hè. Bên cạnh bánh trôi, bánh chay là món ăn không thể thiếu, còn có những điều kiêng kị vào ngày này ai cũng nên biết.
Kiêng lửa
Tết Hàn thực có nguồn gốc từ Trung Quốc, vào ngày này các gia đình sẽ không đốt lửa mà sử dụng đồ ăn nguội theo đúng ý nghĩa "hàn thực" ("hàn": nguội, "thực": thức ăn). Tuy nhiên, do không ảnh hưởng quá nhiều từ Trung Quốc nên tại Việt Nam, mọi hoạt động nấu nướng sẽ vẫn diễn ra bình thường và sử dụng món ăn nguội tượng trưng đó là bánh trôi, bánh chay.
Kiêng cúng bánh trôi, bánh chay ngũ sắc
Ngày nay, không chỉ có bánh trôi trắng mà nhiều nhà còn chuộng các loại bánh trôi nhiều màu sắc để dâng lên ông bà tổ tiên. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Ánh Hồng, Trưởng Khoa Văn hóa Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), điều này không đúng với nguyên gốc cũng như ý nghĩa từ xa xưa của ngày lễ Hàn thực.
Kiêng đồ mặn
Trong những ngày đầu tháng 3 nói chung và tết Hàn thực nói riêng, các gia đình sẽ thường kiêng sử dụng đồ mặn để không sát sinh. Điều này có liên quan đến lễ thanh minh và có ý nghĩa để linh hồn người thân, người đã khuất sẽ dễ dàng siêu thoát.
Kiêng làm mâm cúng cầu kì
Theo TS Nguyễn Ánh Hồng, vào ngày này, các gia đình không nên bày vẽ các thủ tục tốn kém mà chỉ cần thành tâm, dâng bánh trôi, bánh chay lên ban thờ tổ tiên, nguyện cầu những điều tốt đẹp.