Những con số đáng báo động
4 Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (CLGD) được Bộ GDĐT cấp phép, từ tháng 1.2016 - tháng 5.2018 đã tiến hành đánh giá ngoài 122 trường đại học (ĐH), học viện trong tổng số 234 trường ĐH dựa trên 10 tiêu chuẩn, 61 tiêu chí. Kết quả kiểm định có 117 trường đạt chuẩn còn 5 trường không đạt. Trong số các trường đạt chuẩn, có nhiều trường có số lượng tiêu chí đạt chuẩn thấp.
GS Bành Tiến Long (nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT) và cộng sự Tạ Thị Thu Hiền đã chỉ ra những con số... đáng bàn.
Kết quả kiểm định cho thấy, trong tổng số 61 tiêu chí, chỉ có 9 tiêu chí có 100% các cơ sở đều đạt, còn 52 tiêu chí còn lại, mỗi tiêu chí có ít nhất 1 cơ sở chưa đạt.
Đáng lưu ý, chỉ duy nhất có 1 trường ĐH có số lượng tiêu chí đạt cao nhất là 56/61. Có 25 cơ sở (chiếm 21,36%) đạt 49 tiêu chí - con số tối thiểu để được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Kết quả cũng chỉ ra có 98 trường chưa đạt 9 tiêu chí trở lên, chiếm 83,76% tổng số trường.
Số lượng cơ sở GDĐH và tiêu chí chưa đạt chuẩn. Biểu đồ: H.N
“Đây là những con số đáng lo ngại, phản ánh đúng những nội dung yếu kém của GDĐH Việt Nam bởi phần lớn các trường đã kiểm định là những trường xếp hạng khá trở lên trong hệ thống. Điều này càng dễ hiểu vì sao Việt Nam chưa có trường nào được lọt vào tốp 500 trường hàng đầu thế giới theo các bảng xếp hạng uy tín” - GS Bành Tiến Long nhận định.
Số lượng, chất lượng giáo viên đạt chuẩn chưa cao
Các chuyên gia nhận định, vấn đề chủ yếu mà các trường cần cải thiện tập trung ở quản trị đại học và tổ chức quản lý trường ĐH, chương trình đào tạo. Về quản trị ĐH và tổ chức quản lý trường ĐH, thực tế có tới 36% trường được đánh giá chưa có cơ cấu tổ chức đáp ứng các quy định của Điều lệ trường ĐH và các quy định khác của pháp luật như chưa thành lập hội đồng trường, hội đồng khoa...
Là các trường ĐH được xếp hạng khá trong hệ thống, tuy nhiên có tới 15,4% trường chưa thiết kế theo quy định đối với các chương trình đào tạo thường xuyên, chưa đảm bảo chất lượng đào tạo. Có 65% trường chưa thực hiện việc định kỳ đánh giá chương trình đào tạo và thực hiện cải tiến chương trình.
Những con số đáng chú ý. Tổng hợp: Huyên Nguyễn.
Không chỉ vậy, việc rà soát, điều chỉnh các chương trình đào tạo cũng chưa được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc theo đúng quy định của Bộ GDĐT. Có 24% trường chưa đáp ứng yêu cầu về việc định kỳ bổ sung, điều chỉnh dựa trên cơ sở tham khảo các chương trình tiên tiến quốc tế, 43% trường chưa đáp ứng yêu cầu chương trình đào tạo có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc hợp lý, thiết kế đáp ứng chuẩn kỹ năng và nhu cầu của thị trường lao động.
Về hoạt động đào tạo, con số kiểm định được công bố cũng khiến dư luận không khỏi… “giật mình”. Số lượng Các trường chưa chú trọng tới phương pháp và quy trình kiểm tra đánh giá kết quả học tập của người học lên tới 44%. Có 33% các trường chưa thực hiện việc lấy ý kiến của người học, nhà sử dụng lao động và các bên liên quan
Đáng quan tâm, có tới 55% số trường chưa đáp ứng đủ số lượng giảng viên; tỉ lệ trung bình sinh viên/giảng viên còn quá cao, có chương trình khoảng 60 sinh viên/giảng viên.
Đặc biệt, có tới 43% trường được đánh giá có đội ngũ giảng viên chưa đảm bảo trình độ chuẩn theo quy định. Một số giảng viên chưa giảng dạy theo chuyên môn được đào tạo, trình độ ngoại ngữ, tin học còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu về nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Cùng với đó, số lượng đội ngũ cán bộ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu về phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn cũng khá cao lên tới 35%.
Trong các tiêu chí đánh giá chưa đạt về tiêu chí thư viện và diện tích đất lần lượt là 66% và 55%. Liên quan tới tài chính, 38% trường chưa đảm bảo sự phân bổ, sử dụng tài chính hợp lý, minh bạch.
Về nghiên cứu khoa học, theo GS Bành Tiến Long, điểm tồn tại lớn nhất của các trường ĐH là nhiều đề tài, dự án chưa được thực hiện và nghiệm thu theo kế hoạch. Có 49% trường ĐH được đánh giá chưa đáp ứng yêu cầu của tiêu chí này.
Hơn nữa, tính ứng dụng và chuyển giao của các đề tài nghiên cứu còn yếu. Các trường cũng chưa đầu tư cho nghiên cứu khoa học, có tới 78% trường chưa đáp ứng tiêu chí yêu cầu về chuyển giao khoa học công nghệ.
* GS Bành Tiến Long - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT: Để đạt GDĐH có thể phát triển mạnh mẽ, các trường cần đổi mới mạnh mẽ trong quản trị GDĐH, tăng quyền tự chủ ĐH và hội nhập quốc tế. Tính tự chủ của các trường ĐH là chìa khoá cho việc chuyển đổi hệ thống GDĐH quốc gia. Quản trị ĐH là cốt lõi vận hành hệ thống GDĐH hiện đại.
* Tăng 15 tiêu chuẩn và 50 tiêu chí kiểm định chất lượng. Từ tháng 7.2018, Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH sẽ được thực hiện theo Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19.5.2017. Thông tư này thay thế Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT ngày 1.11.2007. Quy định mới bao gồm 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí; tăng 15 tiêu chuẩn và 50 tiêu chí so với quy định trước đây. 4 góc độ kiểm định là chiến lược, hệ thống chức năng và kết quả.
Quy định mới được đánh giá theo thang 7 mức, từ mức 1 không đáp ứng yêu cầu tiêu chí đến mức 7 thực hiện xuất sắc, đạt mức của các cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới. Quy trình kiểm định gồm 4 bước: Tự đánh giá - Đánh giá ngoài - Thẩm định kết quả đánh giá - Công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. H.N
|
Theo Lao động