Trên đây là những nhận xét, đánh giá của GS. Hoàng Chương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc tại Hội thảo khoa học “Anh hùng liệt sĩ Đào Phúc Lộc – Người cộng sản trung kiên, mẫu mực, nhà tổ chức, chỉ huy và hoạt động tình báo xuất sắc” diễn ra ngày 26/4 tại Hà Nội.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Đào Phúc Lộc (1923 – 1969), bí danh Hoàng Minh Đạo sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở thôn Vườn Trầu, xã Hải Xuân, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh). Thuở nhỏ, vì hoàn cảnh gia đình ông sống cùng chị gái ở Hải Phòng. Tại đây, hai chị em ông gặp được nhà cách mạng Tô Hiệu vào thời kỳ mặt trận dân chủ (1936 – 1939) và bắt đầu tham gia phong trào thanh niên, học sinh yêu nước tại Hải Phòng. Năm 1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 16 tuổi và trở thành người giữ đường dây liên lạc của đồng chí Tô Hiệu…
Sau Cách mạng Tháng Tám, khi mới 22 tuổi, ông được cử làm Trưởng phòng Tình báo thuộc Bộ Tổng tham mưu. Năm 1948, ông nhận lệnh điều động làm Đặc phái viên của Bộ Tổng Tham mưu công tác, sau đó ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng ban Quân báo Nam bộ, Phó Ban Binh vận Xứ ủy Nam Kỳ, Phó trưởng Ban Binh vận Trung ương cục, Ủy viên thường vụ Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, Bí thư Khu 5 – Bí thư phân khu I Sài Gòn – Gia Định, Chính ủy lực lượng Biệt động Sài Gòn, Chính ủy Phân khu 1 vùng Chủ Chi. Ông hy sinh năm 1969 khi vượt sông Vàm Cỏ Đông.
Toàn cảnh hội thảo (ảnh: Minh Nguyệt)
Hội thảo đã nhận được hơn 20 tham luận nói về cuộc đời, sự nghiệp anh hùng - liệt sĩ Đào Phúc Lộc - nhà tổ chức, chỉ huy và hoạt động tình báo xuất sắc của các nhà nghiên cứu, nhà lãnh đạo, sĩ quan cao cấp của Quân đội và Công an nhân dân, như: “Nhà tình báo quân sự xuất sắc Hoàng Minh Đạo – Những cống hiến và bài học quý cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay” của Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự; “Đào Phúc Lộc với phương châm dựa vào dân trong công tác tình báo” của Thiếu tướng. Anh hùng LLVT Đào Trọng Hùng, nguyên Cục trưởng Cục Ngoại tuyến – Tổng cục An ninh nhân dân, Phó trưởng ban liên lạc Cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước – Bộ Công an; “Di sản ông Hoàng Minh Đạo để lại trước khi vào Nam chiến đấu” của Đại tá Hà Mai, nguyên Trưởng phòng Huấn luyện Học viện Tình báo, Cục Nghiên cứu, Tổng cục II – Bộ Quốc phòng…
Như vậy, trải qua hơn 30 năm hoạt động cách mạng liên tục, nhiều năm trong ngành tình báo, hoạt động ở những địa bàn ác liệt, đồng chí Hoàng Minh Đạo đã âm thầm hy sinh, đem hết tâm huyết, tài năng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của nhân dân ta. Ngày nay, những bài học từ cuộc đời hoạt động cách mạng, thực tiễn đáu tranh của ông vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự.
Ngoài ra, hội thảo còn giới thiệu các cuốn sách viết về Anh hùng, liệt sĩ Đào Phúc Lộc, gồm: “Huyền thoại Anh hùng tình báo Đào Phúc Lộc”, “Khúc bi tráng trên sông Vàm Cỏ” (Thạc sĩ Nguyễn Kim Thành biên soạn), “Không thể mồ côi” (Minh Vân - con gái Anh hùng Đào Phúc Lộc)./.
Hoàng Minh