Tuy không phải là “cái nôi” đờn ca tài tử (ĐCTT) nhưng thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) có “mối lương duyên” rất đặc biệt với ĐCTT. Tại nơi này, soạn giả Viễn Châu đã cho ra đời bài vọng cổ bất hủ “Tình anh bán chiếu” với những câu hát đã ăn sâu vào lòng người.
Ngày nay, bao thế hệ thị xã Ngã Bảy đã và đang xem ĐCTT như là món ăn tinh thần không thể thiếu và luôn nâng nó lên tầm của sự hào sảng trong cảm xúc mộc mạc, đầm ấm, chân tình của người Nam bộ.
Sân chơi của các thành viên CLB ĐCTT tuy đơn giản nhưng chất chứa nhiều tình cảm đối với bộ môn nghệ thuật này.
Những người giữ lửa cho tiếng đờn lời ca
Khi về thăm xã Đại Thành, chúng tôi ấn tượng với cả nhịp sống khá khẩn trương trong lao động sản xuất của người dân nơi đây và diện mạo khang trang của nhà cửa, đường sá, cơ sở vật chất, văn hóa.
Điểm hẹn của các thành viên CLB ĐCTT xã Đại Thành đặt tại nhà chú Tư (tức ông Nguyễn Hoàng Nhựt, 70 tuổi) - cũng là chủ nhiệm CLB ĐCTT. Theo lời chú Tư kể: “Khi mới mười mấy tuổi, ông đã đam mê ĐCTT. Trước đây, phong trào văn nghệ nơi đây phát động dữ lắm nhưng giờ do điều kiện kinh tế khó khăn nên các CLB ĐCTT có sự suy giảm.
CLB ĐCTT xã Đại Thành có 15 thành viên đều là những nông dân làm ruộng, trồng cây ăn trái trong xã nên mỗi khi sinh hoạt anh em nhà có gì cũng đem đến để góp vui, người thì đem trái cây, có người đem bánh, trà để tham gia sinh hoạt, nên rất vui rất tình cảm”.
Anh Nguyễn Văn Nhơn - cháu chú Tư, cũng là thành viên của CLB ĐCTT xã Đại Thành, cán bộ văn hóa xã - cho biết thêm: “Xã Đại Thành từ hồi đó đến giờ, từ lãnh đạo cho đến người dân đều hết sức đam mê ĐCTT, nhưng không được bồi dưỡng, tập huấn gì để anh em có được hiểu biết và tham gia đúng thể loại. Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, hiện nay tỉnh đã tổ chức mở lớp học tại thị xã để vận động bà con tham gia học đờn, ca cổ, đờn nhạc, ca tài tử.
Vì vậy, anh em trong xã cũng rất hăng hái tham gia học để biết được nhịp điệu những loại bài ca để cổ vũ phong trào ĐCTT tại địa phương. Với niềm đam mê trên, tôi chắc rằng thời gian tới, TX. Ngã Bảy sẻ trở thành thị xã có số đông CLB ĐCTT nhất ĐBSCL hiện nay”.
Là thành viên nhỏ tuổi nhất trong CLB, anh Nguyễn Văn Trung là con của anh Nguyễn Văn Nhơn, hiện anh đang học ở Trường ĐH Cần Thơ. Vốn đam mê ĐCTT từ thời còn nhỏ, anh Trung đã được cha chỉ dẫn từng câu ca vọng cổ, từng bài tổ để con hiểu hơn và yêu hơn môn nghệ thuật đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.
Giờ đây, khi đi học về, anh đều tham gia sinh hoạt ĐCTT với các cô, chú nghệ nhân tại CLB đờn ca tài tử xã Đại Thành.
Chia sẻ về niềm đam mê ĐCTT anh Trung nói: “ĐCTT như là món ăn tinh thần không thể thiếu trong tâm thức của tôi, những ca từ trong từng câu hát luôn ẩn chứa một niềm cảm xúc mộc mạc, đầm ấm, chân tình của người Nam bộ. Dù có đi xa thì tôi vẫn nhớ về những ca từ của các cô chú nơi đây”.
Nghệ nhân với cây đờn “độc và lạ”
Nếu như xã Đại Thành phong trào ĐCTT phát triển rầm rộ cả số lượng lẫn chất lượng thì tại phường Hiệp Thành, phong trào ĐCTT cũng không kém. Nơi đây ngoài những nghệ nhân biết đờn ca thì còn có người biết chế tạo ra những cây đờn “độc và lạ”.
Là người đam mê nghệ thuật đờn ca từ nhỏ, do cuộc sống cơ cực nên nghệ nhân Lê Thanh Quý (thường gọi là Chín Quý) ngụ phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy tỉnh Hậu Giang sớm bước vào đời từ khi lên 14 tuổi, từng làm thuê cho nhiều gánh hát từ Miền Trung đến ĐBSCL nên ông có dịp tiếp xúc học hỏi với nhiều nghệ nhân lớn tuổi.
Được nhiều nghệ nhân gánh hát truyền nghề, đến khi 17 tuổi ông đã chơi thành thạo được nhiều nhạc cụ khác nhau. Đến nay, ngoài việc dạy học trò ca hát các bản, tuồng cổ, chơi các loại đờn… Ông còn được mọi người trong xóm tôn làm “bậc thầy sáng chế” với các loại đờn “độc và lạ”.
Dù đã ở tuổi 70, nhưng ông vẫn tỏ ra nhanh nhẹn, vui tính khi kể về cơ duyên gắn bó với các nhạc cụ phục vụ loại hình đờn ca tài tử, cải lương, nhạc lễ gần 50 năm qua.
Ông Chín Quý nói: “Năm 13 tuổi, tôi làm quen với cây đàn bầu do cha ông biểu diễn tại quê nhà (tỉnh Khánh Hòa). Năm 17 tuổi khi ngón đờn khá điêu luyện tôi đầu quân cho các đoàn cải lương, được giao lưu học hỏi nghệ thuật chơi đờn từ các nghệ nhân lớn tuổi nên tôi đã có dịp học được cách chơi của nhiều loại đờn khác nhau. Sau nhiều năm khổ luyện, tới nay, tôi có thể chơi gần chục loại nhạc cụ; từ các loại đờn của ta như bầu, sến, cò… tới đàn Tây như violon, hạ uy di (ghi ta Hawaii)…”.
Ông Chín Quý với cây đờn độc lạ.
Nói về việc chế tạo các loại đờn “độc và lạ” ông Chín Quý tâm sự: Trước đây, khi đi đờn phục vụ văn nghệ cho bà con thì cần phải tập hợp đầy đủ thầy đờn mới đờn được, do điều kiện kinh tế của mỗi người mỗi khác nên muốn tập hợp đầy đủ thầy đờn ngồi lại với nhau thì rất khó, nghĩ đến đây tôi quyết sáng chế ra một cây đờn mà có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ khác nhau.
Nghĩ là làm, tôi đã chế ra nhiều loại nhạc cụ như đờn tam huyền di (thay thế cùng lúc 3 loại đờn tranh, đờn bầu và đờn hạ uy di); đờn vĩ cầm kết hợp đờn gáo; đờn măng-đô-lin kết hợp trống nhạc lễ và đờn sến; đờn ngũ âm huyền (kết hợp cùng lúc 5 cây đờn bầu sắp xếp từ nhỏ tới lớn, độ dài dây từ ngắn tới dài) …
Chia sẻ thêm về sự kế thừa, phát huy về thể loại nhạc cụ “độc và lạ” của gia đình, ông Chín Quý cười nói: Gia đình tôi hiện có 4 người, hầu như người nào cũng biết chơi các loại nhạc cụ, riêng những học trò ông đang dạy có trên 20 người đã thành thạo từng loại nhạc cụ. Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng sáng chế ra nhiều loại nhạc cụ “độc và lạ” khác để phục vụ cho bà con nơi đây, nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân.
Theo Hoàng Tân/Báo Lao động