Ngẫm đi, xét lại cho cùng, nếu ai thử thả mình vào một thứ vô chừng vô tận như biển cả, sẽ biết thế nào là cảm giác chông chênh. Trên đầu là trời xanh mây trắng, dưới chân chỉ còn đúng một màu. Màu của biển! Thứ màu vượt qua mọi giác quan của con người. Thị giác chẳng còn ý nghĩa. Thính giác ngồn ngộn tiếng máy tàu và sự ồn ào của sóng. Khứu giác nồng nặc mùi biển. Xúc giác khô xác vì vị mặn. Còn cảm giác, thứ giác quan có thể đi xa nhất của con người, còn cũng như không. Cái cảm giác về đất liền trong những phút mới rời khỏi vịnh Cam Ranh đã biến hẳn sau một đêm bên giấc oằn oại của người lần đầu đối mặt với biển cả. Đất liền xa quá! Đất liền đã trở thành một giấc mơ!
Giữa cái sự vô tận kia, con người nhỏ bé, dù muốn dù không cũng không thể tránh khỏi nỗi cô đơn giằng xé. Một con sóng bạc đầu nho nhỏ đang chạy đua cùng gió, chợt hụp mình mất tăm như chưa bao giờ xuất hiện. Nó đã bị sự vô tận nhấn chìm! Và, người đời đặt cho nó cái tên “sóng mồ côi”. Một hòn đá lập lờ cố ngoi đầu lên mặt nước… vô vọng! Nó cũng thành “đá mồ côi”! Mà đâu chỉ có thế! Khi mọi cảm giác tràn trề sự vô tận thì thử hỏi: không gian, thời gian còn có ý nghĩa gì? Thế nhưng, còn vài thứ vẫn tồn tại. Con tàu vận tải HQ631, những hòn đảo chìm, đảo nổi trên quần đảo Trường Sa của đất mẹ Việt Nam vẫn từng giây, từng phút vượt lên sự vô tận để không chỉ tồn tại.
Những cơn say sóng khiến “mật xanh nanh vàng”, những nỗi buồn, niềm vui, nỗi nhớ… đã cho tôi một chuyến đi ăm ắp cảm xúc. Nhưng nếu không kể tới cái thú câu cá ở Trường Sa thì quả là một thiếu sót lớn. Bởi lẽ, đến bây giờ, khi mà trình độ khoa học đã phát triển đến mức hiện đại, con người vẫn phải dựa giẫm rất nhiều vào thiên nhiên để mà tồn tại. Thủy thủ đoàn trên tàu, bộ đội ta trên đảo, không có con cá, lấy gì làm bữa tươi?
|
Từ hôm còn nằm ở Vùng D để chuẩn bị xuống tàu, tôi và các phóng viên trong đoàn công tác đã được kể rất nhiều về chuyện câu cá Trường Sa. Lại sẵn có cái máu “ngư phủ”, tôi hạ quyết tâm sẽ tự kiếm quà cho những người thân ở nhà. Hăm hở ra chợ thị trấn Mi Ca, sà vào hàng bán đồ đi biển của dân chài lưới, tôi mua 2 cuộn cước, một to một nhỏ. Lưỡi câu thì làm luôn cả nắm và nhờ anh chủ hàng buộc giúp. Biết tôi đi biển lần đầu, anh ta vừa làm, vừa giảng giải cách buộc lưỡi, chì sao cho chắc mà vẫn dụ được cá cắn câu.
Lúc tàu vừa thả neo trước đảo Sinh Tồn, điểm đến đầu tiên của cuộc hành trình, trời còn sáng rạng. Mặc cho cơn say vẫn còn ngây ngất, tôi lò mò vào nhà bếp xin mồi. Quả, chàng “quản gia” tàu HQ 631, lấy cho tôi một chú cá hồng ướp lạnh khoảng bằng bàn tay. Chạy tót ra mạn trái, tôi cắt một miếng thịt cá và móc vào lưỡi. Câu cá là cái trò tôi rất thành thạo ở đất liền, nhưng khi ra giữa biển khơi, mọi sự lại khác. Không dùng cần, cước được thả trực tiếp xuống biển. Rõ ràng, mặt biển rất yên, tôi đã dùng hết sức ném mồi ra xa, nhưng được một lát, nó lại dạt vào gầm tầu. Đã thế, dòng nước ngầm cứ cuốn cước đi phăm phăm, lưỡi câu không thể nào chìm xuống. Loay hoay cả tiếng đồng hồ, tôi vẫn chẳng làm ăn được gì. Bực mình quá! Đúng lúc ấy, anh Hợi xuất hiện.
Nếu không được thuyền trưởng Triệu Dũng giới thiệu, tôi không bao giờ nghĩ Hợi là một quân y sỹ. Anh ta cao xấp xỉ một mét tám, người không gầy, nhưng xương nào cũng dô ra. Mắt Hợi nhỏ, hơi sâu, má gồ, cằm bạnh… Hợi có cái tướng của một ngư dân kỳ cựu. Thế nhưng, giọng nói của anh lại rất đối lập với ngoại hình. Nó nhẹ nhàng, thẽ thọt, lại còn hơi điều điệu như giọng thiếu nữ.
Liếc mắt qua đống đồ câu của tôi, Hợi hỏi: “Ai buộc lưỡi cho anh?”. Tôi cười: “Tất nhiên là người bán hàng chứ còn ai!”. Hợi tiếp: “Sai bét! Buộc thế này thì có mà câu cá… trong nồi! Để đấy, tôi buộc lại cho!”. Nói là làm, Hợi vào phòng thủy thủ lấy ra cây kìm. Anh dứt tung lưỡi ra đằng lưỡi, chì ra đằng chì và buộc lại. Hóa ra, người bán hàng buộc cục chì sát lưỡi câu quá. Theo Hợi, nếu buộc thế, khi cắn câu, cá sẽ ngoạm cả vào cục chì. Và tất nhiên, chẳng con gì thích ăn cái thứ vừa nặng, vừa cứng ấy.
Buộc lại xong, Hợi hướng dẫn tôi cách thả câu. Cũng quăng cục mồi ra xa, nhưng sau đó phải căng cước và thả từ từ. Có như vậy, cục chì mới kéo được mồi xuống sâu. Thả áng chừng 25 mét cước, chạm đáy, Hợi đưa cuộn câu cho tôi và bảo: “Anh cuộn lại khoảng 30 phân cước để mồi rơi đúng vào tầm con cá đi… Còn bây giờ, để biết cá cắn hay chưa, hoàn toàn phụ thuộc vào độ nhạy cảm nơi đầu ngón tay anh”.
5 phút, 15 phút, rồi 30 phút trôi qua, cước câu vẫn im như tờ. Thấy tôi có vẻ sốt ruột, giọng Hợi như giảng giải: “Nghề câu biển cần phải kiên trì gấp nhiều lần câu cá nước ngọt. Muốn cá cắn nhiều, phải theo luồng nó đi. Tàu của mình lại neo cố định, đành được con nào hay con nấy thôi!”. Nhưng Hợi vừa nói dứt câu, tôi cảm giác mấy ngón tay cầm cước hơi rung lên. Giật! “Ăn rồi!”, tiếng Hợi hô làm tất cả những người có mặt trên boong quay phắt về phía chúng tôi. Tôi từ từ vừa cuộn, vừa giữ cước cho thật căng. Cá tuy mắc vào lưỡi câu rồi, nhưng nếu để cước trùng, nó sẽ vuột mất ngay. Trước hàng chục con mắt háo hức, con cá của tôi dần dần hiện hình. Đó là một con cá kìm nặng chừng nửa ký, thân dài 60-70 cm. Hợi vục chiếc vợt xuống nước, định nhấc bổng con cá lên, nhưng… phựt…tay tôi bỗng nhẹ bẫng. Con cá kìm mắc câu giẫy oẳm một cái rồi biến mất tăm dưới làn nước màu xám chì. Hai hàm răng sắc như dao của nó đã nghiến gọn cả lưỡi, cả cục chì của tôi. Hợi hậm hụi ra mặt. Cuộc “ra quân” của tôi đã thất bại thảm hại.
Sau khi được Hợi buộc lưỡi câu khác, may mắn đã trở lại với tôi. Liên tục từ đó đến lúc đi ngủ, tôi giật được gần hai chục con gồm cá hồng và cá mú. Tuy nhiên, chẳng có con nào đáng kể. Chúng chỉ đủ làm ngọt cho nồi canh sáng hôm sau.
Tối hôm tàu neo trước đảo chìm Núi Le, nghe anh em thủy thủ kháo nhau vùng này có nhiều cá lắm, tôi lại hăm hở vác “đồ nghề” ra mạn. Kinh nghiệm đã “dày dạn”, tôi thong dong thả cước. Nhưng lạ quá, thả hết cả cuộn cước hơn 40 mét mà mồi vẫn chưa chạm đáy. Rõ ràng tàu đậu khá gần bãi san hô cạn, nhìn thấy cả mấy hòn đá “mồ côi” cơ mà? Cũng vừa lúc, Hợi chui từ nhà bếp ra. Thấy tôi, anh cười nhăn: “Chỗ này sâu lắm, cuộn cước của anh có câu cả ngày cũng chẳng được gì đâu!”. Đang hứng thú, tôi hếch mũi khiêu khích: “Được rồi, sáng mai anh sẽ có cá ăn!”. Hợi lại cười, chẳng nói chẳng rằng, trở lại nhà bếp. Tôi trở lại công việc yêu thích với niềm hy vọng mong manh. Thực ra, đấy là trêu Hợi cho vui chứ tôi cũng hiểu, người dầy dặn kinh nghiệm đi biển như anh mà nói không câu được, thì còn mong gì. Một tiếng sau, miếng mồi vẫn y nguyên, ngán ngẩm quá, tôi thu cước, chui vào phòng đi ngủ. Gặp Hợi trên đường, giọng anh ra vẻ bí mật: “Muốn được ăn cá to, anh cứ đi ngủ đi. Nửa đêm, tôi sẽ gọi!”.
Đêm đó, đang nồng nàn trong giấc ngủ trộn lẫn sự mệt nhọc và những cú chao lắc của tàu theo cánh sóng, chợt có cái gì gãi gãi vào chân tôi. Đúng là Hợi! Anh thì thào: “Nhà báo ơi! Dậy đi câu!”. Dù còn rất thèm ngủ, nhưng nghe tới chuyện câu, tôi nhỏm dậy ngay. Trong bóng tối, tôi xỏ đại một đôi dép, cầm thêm chiếc áo gió và đi theo Hợi.
Tính từ hôm rời cảng Cam Ranh đến giờ, đã gần chục ngày, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến những tay câu chuyên nghiệp của tàu HQ 631 ra quân. Cuộn cước của họ khác xa với của tôi. Sợi cước màu trắng đục như nước gạo, to bằng nửa ngón tay búp măng và dài cỡ 200 mét. Cục chì cũng khác. Nó không tròn như người ta bán ở chợ Mi Ca. Đó là những tấm chì được các thợ câu cuốn lại, thành hình ống đặc. Cách mắc lưỡi cũng tựa như Hợi đã mắc cho tôi.
Thuyền trưởng Triệu Dũng ngoắc tôi cười tươi: “Đêm nay cho nhà báo biết thế nào là câu cá Trường Sa nhé!”. Tôi đem cái thắc mắc ban chiều ra hỏi Dũng. Hóa ra, dưới chân chúng tôi là một cái vực sâu khoảng 150 mét. Thảo nào, cuộn cước câu của tôi chẳng vô dụng!
Quá nửa đêm, trăng đã mờ hẳn, nhà tàu vác nguyên một dàn 4 ống đèn nê-ông, dòng xuống sát mặt biển. Vẫn chưa thấy ai mắc mồi, thả câu. Thuyền trưởng Dũng vừa nhẩn nha quan sát vùng ánh sáng do dàn đèn hắt xuống, vừa giảng giải cho tôi về chuyện câu. Sở dĩ, những thợ câu kia câu rất muộn là vì trăng. Lúc trăng còn sáng, ánh đèn chẳng có tác dụng gì. Phải chờ trăng bị mờ đi, lúc ấy ánh đèn mới có sức hấp dẫn đối với các loài cá.
Chỉ mươi phút sau, một chú cá chuồn bay to chừng hai phần ba bàn tay lao vào vùng sáng. Một thủ thủy nhanh tay dùng chiếc vợt lưới hớt gọn. Có mồi! Thuyền phó chính trị Hồ Sĩ Toàn móc lưỡi câu vào phần đuôi con chuồn bay và ném xuống biển. Mồi còn sống, chì dài hình ống, cộng với dòng chảy, nên vẫn bay bay ngầm dưới nước. Có thế, mới lừa được lũ thu bè.
Đã quá nửa đêm, tôi co ro trong chiếc áo gió mà vẫn bị những con gió biển độc địa thổi buốt đầu. 5 tay câu của tàu thản nhiên quần đùi, áo phông như không. Chợt ống câu của thuyền phó Toàn vút lên. “Dính rồi!”, ai đó kêu khe khẽ. Sau cú đóng lưỡi vào hàm cá, Toàn từ từ kéo cước câu. Nặng chịch, cánh tay anh gân lên, hai chân gồng cứng trên sàn tàu như đứng tấn. Mỗi lần con cá cắn câu quẫy mạnh, Toàn lại nhả cước ra một chút để tránh bị bung lưỡi. Đợi lúc nó đuối sức, anh lại tranh thủ thu cước. Kỹ thuật quan trọng nhất trong lúc này là phải giữ cho cước lúc nào cũng phải căng. Người - cá lừa nhau lúc thu, lúc thả khoảng 5 phút. Chú cá thu bè đầu tiên được kéo lên boong nặng tới 15 ký. Y sĩ Hợi hứng chí luyến láy: “Cả tàu câu cá. Câu cá cả tàu. Cả tàu ăn cơm. Ăn cơm cả tàu. Cả tàu…”.
Đêm ấy, tổng cộng chúng tôi câu được 13 chú thu bè. Tôi nhẩm tính, khoảng 2 tạ. Sáng ra, nồi cháo cá nóng rực, ngọt lịm, đậm đà vị biển, xua tan biến cơn buồn ngủ còn vương vất. Ai lại về việc nấy. 5 tay câu chuyên nghiệp lại là những thợ máy, anh nuôi…
Theo Báo Đất việt