Làng Đô Tân thuộc xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội xưa nay được mệnh danh là Làng “nói phét”, bởi vậy mà người dân nơi đây vẫn quen thuộc với câu ca:
“ Đô Tân nói phét thành thần/ Có một cây cần nấu chín nồi canh”.
Tìm đến nhà anh trưởng thôn Nguyễn Văn Minh, vừa cất lời hỏi thăm về Làng “nói phét” đã thấy anh này trả lời với thái độ khó chịu, “Anh chị nhầm rồi, ở đây không có làng nói phét đâu, dân nghèo nên ngoài việc đồng áng thì hàng ngày vẫn phải lên rừng kiếm dăm ba gánh củi đi bán lấy tiền xây nhà lầu, mua xe hơi. Họ bận rộn thế thì làm gì có thời gian nói phét”.
Nghe câu trả lời dí dỏm ngược hẳn với thái độ của anh khiến tôi bật cười hỏi lại, “Bán vài ba gánh củi mà đủ tiền xây nhà lầu, mua xe hơi hả anh?”.
Vậy là cả hai chúng tôi đều cười sảng khoái. Câu chuyện với cao thủ “nói phét” của Làng Đô Tân bắt đầu như thế.
Di tích lịch sử văn hóa - Đình làng Đô Tân
Cái duyên “nói phét”
Khi nghe tôi thắc mắc về câu ca:“Đô Tân nói phét thành thần/Có một cây cần nấu chín nồi canh”. Thì anh hỏi ngược lại 1 câu: “nếu canh cần nấu sống thì chú có ăn được không?” Lúc đó tôi mới hiểu hóa ra các cụ làng ta “chơi chữ”.
Anh bắt đầu kể cho tôi nghe câu chuyện từ xưa của làng. “Có người dân câu được con cá trê to lắm, giằng co mãi mới kéo được nó vào bờ nhưng nó giãy nát ba sào mạ, người ta đánh nó đến bảy gọng dao kiều mà vẫn còn kêu kèng kẹc”.
Tôi tỏ ý không tin, bảo anh lại nói phét, cá trê to cỡ nào mà giãy nát được cả sào mạ, rồi đánh nó bảy gọng dao kiều thì nó chết rồi còn đâu mà kêu được?
Anh điềm tĩnh bảo: Chú không hiểu rồi, chuyện là thật đấy! “Lúc kéo được nó lên ruộng mạ, giãy ghê quá nên mấy người phải xúm vào vồ bắt, loanh quanh một lúc thì nát hết cả sào chứ sao”?
“Thế còn người ta đánh nó bảy gọng dao kiều mà không chết là sao”? Tôi thắc mắc hỏi.
“Chú biết con dao kiều chưa? Có hình dáng giống chiếc liềm, nên dù có đánh đến cả trăm gọng cũng chẳng chết được”. Anh dí dỏm giải thích.
Hiểu ra câu chuyện của anh tôi mới thầm ngưỡng mộ sự thông minh, “láu lỉnh” của người dân Làng Đô Tân!
Rồi anh mời tôi ngồi uống trà: “Có cân trà ngon đứa cháu mãi tận trên Thái Nguyên nó biếu”. Nói dứt lời, anh đi lại quanh nhà như đi tìm thứ gì đó, được 1 lúc thấy anh có vẻ rất khó chịu, bực bội, khiến tôi có cảm giác vừa sợ nhưng lại tò mò, “Ây, có cân trà ngon trong tủ để mời khách thì bọn nó (ý nói lũ trẻ) lại mang cả chìa khoá đi học. Thôi, chú ngồi chơi, chờ tôi xuống bếp lấy cái búa phá luôn cái tủ này để lấy trà ngon mời các anh”.
Tôi chợt hiểu và giả bộ can ngăn: “Thôi, em xin anh, anh phá tủ thì chị về mắng các em chết, uống cái gì cũng được anh ạ!”
Thế rồi cuộc trò chuyện thú vị cứ mãi tiếp diễn qua lối kể hài hước, duyên dáng của người trưởng thôn khiến tôi cứ cười không ngớt. Anh kể thêm:
“Có một anh đi bán màn khung, vừa đi vừa rao khắp làng “ai màn khung đê, ai màn khung đê”, qua cổng nhà 1 cụ già trong làng, thấy cụ cười tươi vẫy tay gọi, anh kia vui vẻ vào nhà vị khách đầu tiên, cụ bảo anh chàng nghiên cứu lắp màn khung cho toàn bộ khu vườn nhà cụ vì nhà nhiều muỗi. Dù rất bực bội, cứ nghĩ cụ trêu trong khi mình đang mệt nhưng anh vẫn từ tốn.
“Dạ, chắc ông trêu con, chứ con chỉ lắp màn khung ở giường ngủ, chứ cả vườn nhà cụ thì con lắp làm sao được”.
Khuôn mặt cụ ông lúc này rất nghiêm túc: “Ơ, cái nhà anh này buồn cười nhỉ, anh đi khắp làng rao là “ai màn khung đê”, vậy là đến cả cái Đê làng tôi anh còn lắp được thì cái vườn này nhà tôi nhằm nhò gì”.
Lúc này anh chàng kia mới hiểu ý của cụ, dù trong lòng đang tức mà cũng phải phì cười. Hoá ra là cụ ông biết anh chàng đi rao bán cả buổi sáng, qua nhà cụ đến vài lượt mà không có ai mua, thấy anh mệt nên cụ mời vào nhà nghỉ ngơi, uống nước, và trò chuyện cho vui.
Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ…
Anh Minh kể đầy tự hào: “Dân làng chúng tôi là thế đấy các anh ạ, nhiệt tình và thương người lắm, ngày xưa làng tôi nghèo, ăn chẳng đủ. Khi ra đồng, mọi người gặp nhau cứ tếu táo như vậy cho vui, quên đi mệt nhọc mà tiếp tục công việc thường ngày. Cũng chỉ là cách nói chuyện để tạo nên tiếng cười thôi anh ạ!”
Tôi trêu hỏi lại anh, không biết giờ làng mình còn nhiều “cao thủ nói phét” như hồi xưa không?
“Có chứ, giờ có ông Vang, nhưng hôm trước tôi gặp thì ông ấy bảo bây giờ “nghỉ hưu nói phét” rồi. Chuyện là từ năm ngoái nhà ông ấy có nuôi lợn, một ngày khi chăn lợn ông nỡ đánh rơi chiếc điện thoại vào nồi cám nên bị con lợn nuốt mất. Chuyện chẳng có gì đáng kể cho đến cuối năm cả gia đình mổ lợn ăn tết thì phát hiện chiếc điện thoại hết pin vẫn nằm trong bụng lợn. Mừng quá, cắm sạc pin vào mở lên thì thấy có 18 cuộc gọi nhỡ của các lãnh đạo địa phương gọi điện hỏi thăm, chúc tết”.
Anh kể đến đấy thì tôi không nhịn được cười. Hoá ra ý của bác là khoe được lãnh đạo địa phương quan tâm, gọi điện hỏi thăm vì gia đình bác là một trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong làng.
Rời nhà anh trưởng thôn, tôi gặp bác Nguyễn Văn Kết, nguyên là Bí thư huyện ủy Sóc Sơn, Chánh Thanh tra TP Hà Nội, cũng là một người dân gốc làng Đô Tân, ông cho biết: “Từ xa xưa, dân làng rất nghèo, nên khi có dịp gặp nhau thì mọi người hay chọc cười nhau bằng chuyện này chuyện nọ, mục đích chỉ là cho vui, quên đi mệt nhọc, đói nghèo để tiếp tục công việc hàng ngày. Mà “nói phét” kiểu dân làng tôi không phải dễ đâu đồng chí ạ, từ phong thái, cách nói chuyện cho đến khuôn mặt cứ phải lạnh như không có gì, nói ngang, chọc người khác tức nhưng vẫn phải phì cười mới được”.
Như chuyện: Có một nhà anh này rất nghèo, một ngày có người bạn đến nhà chơi, gần bữa trưa muốn giữ bạn ở lại ăn cơm, khổ nỗi nhà không có gì đãi bạn, sợ bạn về nên anh gọi con vào và nói “mấy mẹ con đem thịt con vịt bầu để bữa trưa đãi bác, nhớ là 1 nửa đem luộc, 1 nửa để nấu canh”, Người khách biết nhà bạn nghèo mà vẫn nhiệt tình như vậy nên quyết định ở lại. Đến bữa thì người bạn giật mình khi nhìn vào mâm cơm, nhưng cũng lại phì cười và khâm phục anh bạn vì trong mâm cơm đúng là có 1 đĩa bầu luộc và 1 tô canh bầu thật.
“Dân làng tôi là thế, tất cả cũng ở cái “tình” thôi! Những chuyện họ kể chính là những câu chuyện được lấy từ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, họ khéo léo biến tấu tài tình, bằng những ngoa dụ, ẩn dụ nôm na, họ tạo nên một môn “nghệ thuật gây cười”, nhằm mang đến tiếng cười sảng khoái, lạc quan yêu đời, xua đi những khó nhọc thường ngày, nỗi vất vả trong những ngày mùa, ngày vụ”.
Thiết nghĩ, giữa những xô bồ trong nhịp sống hiện đại ngày nay, nên chăng chúng ta cần bảo tồn, gìn giữ và phát triển những nét văn hoá dân gian đặc sắc này? Hi vọng một ngày không xa, “Làng cười” Đô Tân cùng những câu chuyện thú vị, dân dã nơi đây sẽ được phổ biến rộng rãi, góp phần làm phong phú thêm những nét đặc sắc trong kho tàng văn hoá dân gian phi vật thể của đất nước.
Hoàng Nguyên