Trước ngày ông Công ông Táo vàng mã được bày bán ở khắp mọi nơi (ảnh: Minh Nguyệt)
Các cửa hàng tạp hóa cũng bán kèm luôn cả vàng mã (ảnh: Minh Nguyệt)
Phong tục truyền thống, nét đẹp văn hóa Việt
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, giảng viên Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, tục cúng ông Công ông Táo ở phương Đông có lịch sử lâu đời. Nó bắt đầu từ tục thờ bếp. Ở thế kỷ V trở về trước người ta coi thần bếp là di ảnh của thần mặt trời. Việc thờ thần bếp có các yếu tố: Thờ thần mặt trời; thờ phụ nữ; sự đoàn viên, cấu kết cộng đồng trong một gia đình; là nơi dinh dưỡng để trưởng thành và có sức lao động; nó có thể gây tai họa.
Ngày 23 tháng Chạp mỗi gia đình đều làm cỗ cúng ông Công ông Táo cùng vàng mã (ảnh: Dương Nguyễn)
Ông Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, ngày xưa người ta cúng thần bếp cũng như cúng các thần linh khác, đồ cúng gồm thịt dê, thịt lợn cộng với rượu. Đến đời Đường, ông thần bếp nhập vào điện thần của đạo giáo và lúc đầu có hình thức nam thần gọi là “đông trù tư mệnh táo thần”. Đông trù là bếp vì làm nhà hướng nam thì bếp bao giờ cũng là hướng đông; tư mệnh là một chức quan truyền đạt mệnh lệnh, phong tục cho dân. Khi đó, người ta cúng thì tùy theo từng vùng. Trung Hoa chủ yếu cúng vào ngày 24 tháng Chạp, đồ cúng người ta bỏ thịt dê mà chủ yếu là thịt lợn, rượu. Ở Việt Nam thường cúng vào 23 tháng Chạp và ngoài cỗ cúng bình thường có rượu, thịt, xôi. Một số sách đầu thế kỷ XX trong đó có sách của cụ Phan Kế Bính viết về lễ cúng ông Công ông Táo còn có mũ và hia, tất nhiên không thể thiếu cá chép.
Từ xa xưa, người dân Việt đã ngưỡng mộ lòng chung thủy của ông Táo và thờ cúng ông Táo với hy vọng Táo Quân sẽ giúp họ giữ “bếp lửa” trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc. Là vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ, ông Táo còn là vị thần quyết định sự may, rủi, phúc họa của cả gia chủ. Bên cạnh đó, ông còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia đình gia chủ.
Theo tập quán của người Việt, đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm phải làm mâm cơm và lễ cúng ông Táo về trời để tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. Cá chép là phương tiện để ông Táo cưỡi về trời. Vào ngày này, sau khi cúng lễ xong, các gia đình đều cúng con cá chép rồi đem ra sông hay ra ao hồ thả. Vì người Việt ta quan niệm “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng”, cá chép mang ý nghĩa biểu tượng cho sự thăng hoa, tinh thần vượt khó, sự kiên trì và bền bỉ để đi tới thành công.
Không nên đốt nhiều vàng mã gây lãng phí
Xã hội ngày càng phát triển, nhiều gia đình có điều kiện thường quan trọng những ngày lễ, tết hay những lễ vật để cúng. Đối với ngày 23 tháng Chạp, ngoài việc làm mâm cỗ cúng ông Công ông Táo không thể thiếu vàng mã và cá chép. Tuy nhiên, nhiều gia đình có điều kiện hoặc theo phong trào cúng rồi hóa rất nhiều vàng mã trong ngày này. Điều đó không chỉ gây lãng phí mà còn ảnh hưởng đến môi trường xung quanh làm giảm đi sự trang trọng, thành kính.
Chợ Mơ (Hà Nội) có một khu vực riêng chuyên để bán vàng mã (ảnh: Minh Nguyệt)
Chúng ta dễ dàng nhận thấy, trước ngày 23 tháng Chạp khoảng nửa tháng, các chợ, cửa hàng đã bày bán rất nhiều những bộ mã với đủ các màu sắc, kích thước khác nhau. Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Thanh tra, bà Ngọc – chủ một kiot chuyên bán đồ vàng mã ở chợ Mơ (Hà Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, mặt hàng vàng mã cúng ông Công ông Táo và thần linh năm nay khá đa dạng, phong phú. Song giá cá cơ bản vẫn ổn định, không bị tăng so với năm ngoái.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm bán đồ vàng mã ở Thủ đô Hà Nội bà Ngọc cho biết thêm, do nhu cầu của người dân khác nhau nên các bộ mã ông Công ông Táo cũng được làm với kích thước, màu sắc và chất liệu giấy khác nhau. Có bộ đẹp; bộ vừa, bộ to, bộ nhỏ. Và giá dao động từ 60.000đ đến 120.000đ tùy vào kích thước, chất liệu giấy.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, giảng viên Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (ảnh: Minh Nguyệt)
Về vấn đề đốt vàng mã ngày ông Công ông Táo, ông Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, ở Hà Nội và những thành phố lớn nên hạn chế đốt vàng mã để tránh lãng phí và không nên đốt ở những nơi đông người.
“Theo tôi, không đốt quá nhiều và chúng ta thành tâm là chính vì tôn giáo nào cũng hướng tới nhân sinh, hướng tới thành tâm. Hay nhất là tùy sự lựa chọn, không theo nhau. Không thấy nhà này làm một cái ô tô nhà kia cũng làm ô tô, như thế rất buồn cười. Con người tự do nhất là con người lựa chọn hành động theo tâm của mình”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ nhấn mạnh./.
Hoàng Minh