Từ đầu năm đến hết tháng Tư tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhiều lễ hội truyền thống diễn ra khắp nơi, mang đến không khí vui tươi, sôi nổi. Những lễ hội như: chợ quê ngày Tết, đu tiên, hội vật đầu xuân, lễ hội Đền Huyền Trân… giúp người dân và du khách hiểu thêm về nét văn hóa truyền thống đặc trưng của vùng đất cố đô. Người dân Huế đến với các lễ hội rất nhẹ nhàng, thanh tao, không cầu kỳ lễ vật, không chen lấn cầu danh, xin lợi.
Cố đô Huế là vùng đất có truyền thống văn hóa phong phú và đặc sắc với các lễ hội dân gian. Những lễ hội có từ lâu đời tại Huế được người dân gìn giữ nguyện vẹn. Hàng năm, cứ đến ngày Mồng10 tháng Giêng, du khách gần xa và người dân địa phương lại tụ hội về làng Sình xem hội vật. Các đô vật lên sới tranh tài không phải chỉ tranh thắng thua mà cầu may đầu năm mới.
Nhà nghiên cứu Trần Hoàng, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chia sẻ: "Tôi là người sống ở thành phố Huế hơn 30 năm và cũng là người tiếp xúc với nhân dân các làng xã nghiên cứu văn hóa cổ truyền của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Mỗi lần tôi về với hội vật, tôi đều cảm nhận đó là tinh thần thượng võ, tinh thần tham gia hội vật để rèn luyện thân thể".
Những ngày đầu Xuân, tại làng Gia Viên, xã Phong Hiền và xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế diễn ra hội đu tiên. Tại núi Ngũ Phong, phường An Tây, thành phố Huế là Lễ hội đền Huyền Trân. Lễ hội Quán Thế Âm tại xã Thủy Bằng cũng diễn ra đầu xuân...
Người dân đi lễ hội đầu năm không cầu kỳ lễ vật, không chen lấn cướp lộc mà chỉ cầu mong sự an lành, tâm hồn thanh thản.
Lễ hội Đu tiên làng Gia Viên.
Ông Nguyễn Văn Toàn, ở thành phố Huế tâm sự: "Mục đích của tôi đến chùa mong cầu đức Phật ban cho sự an lành. An lành cho tự thân và tâm, mong cầu may mắn và bình yên".
Các lễ hội ở tỉnh Thừa Thiên - Huế không kéo dài mà chỉ diễn ra từ 1 đến 2 ngày, sau đó người dân trở về với hoạt động sản xuất, làm ăn. Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu cho biết: Trong lúc lễ hội ở các vùng miền khác đang bị biến tướng làm mất đi nét văn hóa truyền thống thì lễ hội ở Thừa Thiên - Huế vừa mang tính giáo dục, vừa giàu tính nhân văn. Các lễ hội ở Huế lúc nào cũng miễn phí tham quan đối với người dân và du khách.
Người dân đến với lễ hội để giao lưu gặp gỡ bạn bè, chúc nhau những đều tốt lành, không có sự mê tín dị đoan hay vì mục đích lợi lộc của cá nhân.
"Tất cả những lễ hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế từ xưa đến nay vẫn còn giữ được những nét đặc sắc. Lễ hội mang tinh thần đời sống tâm linh, đến với lễ hội không phải cầu lộc, cầu tài. Người ta đến với các lễ hội là mong sự bình an, đem lại những giá trị tinh thần, đặc biệt là những người con quê hương đi xa làm ăn, cội nguồn kéo họ về. Đấy là cái nhân văn của lễ hội mà trong tất cả các làng xã của Thừa Thiên - Huế còn giữ được" - nhà nghiên cứu Dương Phước Thu cho biết.
Trò chơi đẩy gậy tại Lễ hội Đền Huyền Trân.
Từ đầu năm đến hết tháng Tư, tại Huế có nhiều lễ hội đặc sắc như: Tết Nguyên tiêu, Lễ hội điện Hòn chén, Lễ hội cầu ngư của cư dân vùng biển. Những lễ hội có từ lâu đời tại Huế được tổ chức rất bài bản đã để lại trong lòng du khách sự thích thú và những ấn tượng khó phai.
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Đa phần các lễ hội đều do làng tổ chức nên người dân có ý thức giữ gìn, hạn chế hành vi tiêu cực. Tuy nhiên, đây đó còn xảy ra những hành vi ứng xử không đẹp, như xả rác bừa bãi, đốt vàng mã tại nơi công cộng… Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang nỗ lực chấn chỉnh những hiện tượng biến tướng, phản cảm, kiểm tra xử lý những tổ chức, cá nhân có hành vi phi văn hoá.
Ông Phan Tiến Dũng: "Mùa lễ hội ở Thừa Thiên - Huế, chúng tôi cũng đã tổ chức một bộ phận chuyên nghiên cứu để đưa vào, tái hiện về những vấn đề lịch sử và giá trị văn hóa. Và chính điều đó tạo điều kiện cho du khách có thể tiếp cận và chọn lựa những giá trị văn hóa Huế và ở đây là những vấn đề tín ngưỡng mà không có tính mê tín dị đoan".
Những lễ hội diễn ra trong ngày đầu xuân ở Thừa Thiên - Huế thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống ở vùng đất cố đô. Mọi người đến đây vào dịp này đều dễ hòa vào không khí vui tươi đầu năm mới./.
Theo Lê Hiếu/VOV-Miền Trung