Tản văn:
Đi chợ Tết ăn quà
Thứ sáu, 09/02/2018 08:26 (GMT+7)
(ThanhtraVietNam) - Có người đi chợ Tết để sắm sửa, có người đi chợ Tết để bán buôn, có người đi chợ Tết để xúng xính váy áo hẹn hò còn lũ trẻ nhà quê chúng tôi thuở ấy đi chợ Tết là để ăn quà. Ước gì có thể vo tròn cả chợ Tết bỏ vào túi quần đem về để mà ngắm nghía, hít hà, ngấu nghiến đến thỏa thuê!
Khi sương đông lạnh trắng muốt giăng tơ qua ngõ vắng, ông mặt trời cuộn tròn trong mây thập thò khuôn mặt nhờn nhợt, tôi, con bé Trang và thằng Huy đã í ới gọi nhau chộn rộn cả ngõ đường mây. Vỗ tay bồm bộp vào túi quần dằn mấy đồng tiền lẻ ông bà bố mẹ cho đi chợ Tết, chạy đuổi bắt nhau. Con đường lon ton chạy giữa hai thành tre rậm rạp, dập dìu qua cánh đồng bời bời phù sa ngửa bụng chờ cấy, thả dáng bên đầm hoa súng dẫn từ nhà đến chợ dường như ngắn lại chỉ bằng mấy bước chân.
Chúng tôi rồng rắn kéo nhau vào quán phở bà Béo ở giữa chợ. Chỉ đến Tết lũ trẻ nhà nghèo chúng tôi mới được ăn phở. Bánh trắng ngần như hoa nhài nằm cuộn tròn trong lòng tô sứ, mấy miếng thịt ửng hồng đôi má thẹn thùng, nước dùng sóng sánh như ánh trăng. Trịnh trọng đón bát phở nóng hôi hổi từ tay bà Béo, tham lam hít nấy hít để căng tràn lồng ngực mùi thơm lựng đến se cả lòng. Bao lần nó níu bước chân tôi ngần ngừ khi lẽo đẽo theo mẹ đi chợ phiên bán rau. Ăn bánh phở trước để dành thịt sau cùng rồi bưng tô húp xì xụp. Ấy thế mà vẫn nhìn nhau thòm thèm.
Khoảnh đất bé bằng nửa cái chiếu nép vào góc chợ chỉ kê vừa cái bếp than, mâm bánh, dăm ba chiếc ghế đẩu, ấy thế mà ôm trọn cả phiên chợ tuổi thơ tôi. Những chiếc bánh rán bơi trong chảo mỡ vàng ruộm reo vui xèo xèo. Hơi ấm vờn quanh choàng qua vai, đan vào những ngón tay, dụi dụi lên má. “Bà bánh rán” – chúng tôi thường gọi bà lão bán hàng như thế, vừa luôn tay nhào bột, vê nhân, nặn bánh, bắc bếp, thắng đường vừa nhẩn nha kể chuyện. Mỗi ngày một câu chuyện ở miền đất xa lắc, xa lơ sau rặng tre kia. Có lẽ lũ trẻ chúng tôi không chỉ mê mệt cái giòn rụm của vỏ bánh, cái thơm ngậy của nhân, cái ngọt ngào của lớp đường trắng mà còn mê mệt những câu chuyện bà kể.
Đứa nào đứa nấy bụng căng tròn như cái trống mà vẫn xà vào gánh bánh đúc. Tấm bánh đúc mướt mát, bóng mịn như làn da em bé nằm gọn trong lòng cái mẹt lót lá chuối tươi. Chị Huệ làng bên bán bánh đúc ở chợ này cũng dăm bảy năm rồi, mẹ tôi bảo thế. Chị xắt cho mỗi đứa một miếng to bằng bàn tay. Đưa lên miệng cắn ngập răng, giòn sậm sật như bì lợn luộc, bất giác bắt gặp một hạt lạc rang bùi bùi thì quả là một cuộc kỳ ngộ của hương vị. Chút nồng nồng của vôi rất nhẹ, rất khẽ, rất mỏng nơi cuống họng như là có, như là không. Khi về, cổ tay tôi tòng teng gói bánh đúc biếu bà. Trước khi đổ bệnh, đôi vai bà mòn vẹt nắng mưa quẩy gánh bánh đúc, gót chân nẻ toác bước thấp bước cao khắp hang cùng ngõ hẻm nuôi đàn con khôn lớn. Vì thế mỗi lần đi chợ mẹ đều không quên mua biếu bà miếng bánh đúc để bà đỡ nhớ nghề.
Giờ đây, cuộc sống đủ đầy bao nhiêu, niềm chộn rộn, háo hức đi chợ Tết ăn quà vơi đi bấy nhiêu. Chợt thấy thèm chút khuyết thiếu ngày xưa!
Đào Mạnh Long