Từ phim ca nhạc “Chuyện tình Maldives”, Noo Phước Thịnh “tách” ra được 3 MV. Ảnh: T.L
Ăn khách vì gây tò mò
Có một thời, phim ngắn sống èo uột, cũng không kém các video clip ca nhạc. Tuy nhiên, có hai ca sĩ làm phim ngắn bỗng dưng thành công bất ngờ khiến thể loại này nhanh chóng sống lại.
Đầu tiên phải kể đến Lý Hải. Khi tên tuổi bắt đầu đi xuống, anh nghĩ mãi, cuối cùng vay mượn thêm tiền bạc làm phim ngắn “Trọn đời bên em”. Không ngờ bộ phim này có lượt xem ngất ngưởng. Lý Hải thừa thắng làm tiếp thêm 9 tập nữa. Dĩ nhiên, làm nhiều thì cũng phải mòn. Đến tập 10 thì anh mới chấm dứt series phim ngắn này.
Tiếp theo phải kể đến Hồ Việt Trung thắng lớn khi đầu tư phim ngắn ca nhạc hành động pha hài “Giải cứu tiểu thư” cùng Hồ Quang Hiếu. Đến nay, phim bộ này vượt qua mốc 112 triệu lượt xem và trở thành một trong những clip được yêu thích nhất.
Gần đây, khi các ca sĩ mở kênh YouTube của cá nhân, nhu cầu xem phim ngắn có nội dung trở nên tăng đột biến. Nắm bắt xu thế này, hàng loạt ca sĩ tung phim ca nhạc: Khởi My với “Gửi cho anh”, Noo Phước Thịnh với “Chuyện tình Maldives”, Đông Nhi với “Giác quan thứ sáu”, Sơn Tùng M-TP với “Âm thầm bên em”, Hồ Quang Hiếu với “Hổ phụ nuôi hổ tử”, Phương Thanh với “Buông tay đi”, Hồ Ngọc Hà với “Cả một trời thương nhớ”...
Như vậy, thay vì bài hát âm điệu nhạt nhòa, những cảnh quay trong phim, các nhân vật minh họa trở nên hấp dẫn người xem hơn. Tuy nhiên, có một nhược điểm thấy rõ là nếu ca sĩ đóng vai chính thì chỉ trừ vài người có khả năng diễn xuất tốt, còn lại đa số không tránh khỏi gượng gạo. Điển hình là Hà Anh Tuấn quay xong phim ngắn đã phải bỏ đi làm lại, mời Thanh Hằng vào vai chính... Và làm xong “Tháng tư là lời nói dối của anh”, sau thành công bất ngờ của câu chuyện tình yêu này, anh làm tiếp “Tái bút anh yêu em” và còn hứa hẹn bộ phim chưa kết thúc. Nhờ series phim, nhờ hình ảnh đẹp mà ca khúc bỗng dưng được nhớ đến nhiều hơn.
Tuy nhiên, không phủ nhận được các đề tài phim ngắn quanh đi quẩn lại chuyện tình yêu, thất tình, hoặc người yêu chết, bị tai nạn, hoặc bi kịch này nọ. Cho nên, khi lồng thêm yếu tố hài, có khi phim ngắn lại ăn. Hoặc lồng câu chuyện thời chiến như “Đừng hỏi em” của Mỹ Tâm lại thu hút người xem.
Phải nói rằng, nếu đóng không hay, thì nguy cơ mất trắng tiền tỉ ở phim ngắn là không nhỏ. Chính vì thế, nhiều ca sĩ chọn giải pháp hát, còn lại có diễn viên đóng vai trong phim. Xem phim của Mỹ Tâm thấy cô ít có năng khiếu diễn xuất, và phim có không ít sạn, chỉ có điều là phim ca nhạc nên khán giả… dễ dàng bỏ qua.
Nhìn chung, làm phim ngắn nhưng nếu không có nội dung hay, không mang yếu tố độc, lạ thì sẽ rơi vào mô típ nhàn nhạt, khiên cưỡng. Làm phim ngắn cũng giống chơi dao hai lưỡi, có khi ca sĩ thất thu và không ai buồn xem sản phẩm của họ nếu không có sự tham gia của biên kịch và đạo diễn giỏi.
“Người khổng lồ” đứng sau
Chính vì tốn kém hơn MV nhiều lần mà phim ngắn cũng kén chọn ca sĩ. Ca sĩ càng ăn khách càng phải ra phim ngắn, và càng phải có nhãn hàng đứng sau. Còn các nhãn hàng thì sao? Hình thức quảng cáo trực tiếp trên truyền hình ngày càng nhàm chán, thậm chí có lúc phản cảm, nên các phim ngắn quảng cáo có nội dung lại khá được ưa chuộng. Nắm bắt xu hướng này, các nhãn hàng “đu” theo ca sĩ, người nổi tiếng để làm phim ngắn ca nhạc.
Hiện nay, chi phí cho phim ngắn từ 5-10 phút giá thấp nhất là 200 triệu đồng. Làm phim ngắn chủ yếu chiếu trên các kênh YouTube, nếu lượng người xem thấp thì ca sĩ không thể thu hồi vốn. Thế nên, để chắc ăn, ca sĩ thường kết hợp với các nhà tài trợ. Đứng sau nhiều ca sĩ đang nổi như Sơn Tùng M-TP, Hồ Ngọc Hà, Soobin Hoàng Sơn, Đông Nhi... thường là các nhãn hàng mà họ làm đại sứ hình ảnh...
Rất nhiều nhãn hàng ung dung giới thiệu sản phẩm của mình trong phim ngắn của các ca sĩ. Nhiều phim ngắn ngập tràn hình ảnh điện thoại, giày dép, mỹ phẩm... trở nên phản cảm và bị khán giả bực bội vì quảng cáo sản phẩm quá lộ liễu. Thế cho nên, nếu cứ phụ thuộc vào nhãn hàng, nhiều phim ngắn sẽ trở thành phim “thảm họa”, lại càng khiến dòng phim ca nhạc nhanh chóng thụt lùi vì nhiều yếu tố. |
Theo Minh Thi (Báo Lao động)