Đưa nghệ thuật truyền thống ra đường phố Đà Nẵng: Thừa trách nhiệm, thiếu giải pháp tốt

Thứ sáu, 18/05/2018 08:30
Nếu không có những kịch bản hiện đại, cách thể hiện mới thì các bộ môn nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam sẽ có nguy cơ chết yểu. Những nỗ lực bảo tồn lâu nay của ngành văn hóa và các địa phương là rất lớn, song hiệu quả không cao.

leftcenterrightdel
 Show Cookin Nanta tại Seoul, Hàn Quốc lồng ghép giới thiệu nghệ thuật truyền thống trong kịch bản hiện đại đã hấp dẫn người xem. Ảnh T.H
Những nỗ lực không ngừng nghỉ

Tại Đà Nẵng, từ nhiều năm nay, sân khấu tuồng (hát bội, bộ) chỉ đỏ đèn phục vụ cho nhiệm vụ... bảo tồn văn hóa truyền thống hoặc các hoạt động dịch vụ theo đơn đặt hàng của chính quyền, các công ty lữ hành, du lịch. Người yêu thích hầu hết ở tuổi trung niên, người già và du khách người nước ngoài “bị ép” xem vì chương trình ấn định trong tour.

Trước nguy cơ sân khấu truyền thống đang mai một, ngành văn hóa và chính quyền Đà Nẵng đã có nhiều giải pháp cứu vãn bằng các dự án cải tạo, xây dựng mới nhà hát tuồng, đưa việc giáo dục nghệ thuật tuồng vào các trường học phổ thông, đầu tư cho đào tạo, nuôi dưỡng nghệ sĩ trẻ… Tuy vậy, đến nay sân khấu nghệ thuật tuồng vẫn chỉ có thể sống được bằng cơ chế bao cấp. Thu nhập thấp, sân khấu vắng khán giả đã khiến cho đời sống của nghệ sĩ, diễn viên cũng khó khăn.

Từ năm 2015 đến nay, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, TP. Đà Nẵng đã đưa tuồng xuống phố, tổ chức biểu diễn tại sân khấu ngoài trời ở công viên phía đông bắc cầu Rồng, định kỳ vào tối chủ nhật hàng tuần. Với mong muốn bằng trang phục rực rỡ, mặt nạ ấn tượng, âm nhạc sôi động… sẽ “lôi kéo” khán giả vì sự tò mò. Hy vọng dần dần người dân, du khách sẽ hiểu, yêu mến.

NSND Trần Đình Sanh - nguyên Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Đà Nẵng - cho biết: Sân khấu nói chung, sân khấu truyền thống (gồm tuồng, chèo, dân ca, kịch nói, cải lương...) đã có dấu hiệu chết yểu. Đặc biệt, khi khoa học - công nghệ thông tin phát triển “bùng nổ”, công cụ, phương tiện nghe nhìn của người dân đa dạng, tiện ích, sân khấu, tuồng gần như bị khai tử. Rất ít các địa phương, nhà hát tuồng duy trì được sự tồn tại, đỏ đèn định kỳ hằng tuần và nếu có thì đều nhờ vào sự bao cấp của nhà nước.

Theo NSND Trần Đình Sanh, cũng không thể phủi bỏ trách nhiệm - lý do chủ quan từ các nhà hát tuồng, từ tác giả kịch bản sân khấu, diễn viên. Nhà hát thiếu kịch bản hay, diễn viên thiếu đam mê, thiếu người diễn giỏi.

Cần làm mới những kịch bản cổ

Mới đây, trong tour du lịch đến Seoul, Hàn Quốc, chúng tôi được xem show diễn Cookin Nanta. Ban đầu, liên tưởng đến sân khấu nghệ thuật truyền thống mà các tour du lịch tại Việt Nam đưa du khách đến xem, chúng tôi đều không thích thú. Thế nhưng, trong 90 phút của show, tất cả du khách không thể rời mắt khỏi sân khấu với sự hứng khởi, bởi sự hấp dẫn đến từng giây.

Show diễn kể về câu chuyện 3 đầu bếp tài năng đang cố gắng hoàn thành tiệc cưới với thời gian ngắn. Kịch tích ở chỗ người quản lý của nhà hàng lại sắp xếp người cháu của mình đang học việc cùng thực hiện buổi tiệc, khiến mọi chuyện trở nên rắc rối. Cốt truyện đơn giản, nhưng nghệ sĩ biểu diễn khéo léo, hài hước, tương tác liên tục với người xem khiến toàn bộ khán giả đều bật cười nghiêng ngả.

Hướng dẫn viên của đoàn giới thiệu thêm, du khách mọi quốc gia đều có thể dễ hiểu nội dung bởi nghệ sĩ đã chuyển thể tất cả kịch bản bằng ngôn ngữ hình thể, vũ điệu, bằng những màn múa võ, múa dao, gõ các dụng cụ bếp vô cùng điêu luyện. Điều độc đáo của show là sự kết hợp tài tình của dụng cụ âm nhạc truyền thống Samul Nori của Hàn Quốc, sự hoà quyện giữa các loại nhạc cụ kwaengwari (chiêng), jing (chiêng), janggu (trống)… vì vậy show diễn này đã thu hút trên 300.000 lượt khách mỗi năm ở Seoul.

Nghệ sĩ tuồng Trần Đình Sanh từng diễn giải, rằng nghệ thuật tuồng là hệ thống ngôn ngữ bác học. Người xem cần phải biết điển tích, rõ ngôn ngữ hình thể cách điệu thì mới hiểu, yêu thích. Đây chính là điều độc đáo của nghệ thuật cổ truyền Việt Nam, trong đó có tuồng. Tuy nhiên, nó cũng là điểm yếu, là thách thách lớn trong công tác bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật độc đáo này. Nếu cách thể hiện vẫn mãi cũ, không có kịch bản hiện đại, chắc chắn sẽ không tiếp cận được với khán giả trẻ.

Theo Thanh Hải/Lao động

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra