Giáo dục Việt Nam: Đại phẫu hay đập đi xây lại?

Thứ năm, 09/08/2018 14:49
Nền giáo dục Việt Nam hôm nay đạt được nhiều những con số đáng tự hào: Lượng học sinh đến trường; số sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ, trường chuẩn, thư viện chuẩn; số huy chương Olympic quốc tế… Thế rồi, tất cả đã, đang và có thể sẽ chỉ là những con số mang ra cho… phấn khởi, trước ngồn ngộn ngổn ngang, bất cập của cả nền giáo dục.

1. Dù đã đạt được ít nhiều thành tích, nhưng chương trình, cách dạy và học của chúng ta chẳng thấy sự “đổi mới căn bản”, vẫn rõ nét là học để… đi thi. Nhận định của GS.TS Vũ Minh Giang – ĐHQG Hà Nội năm nào vẫn nguyên tính thời sự: Chúng ta đã dừng quá lâu ở một nền giáo dục chú trọng trang bị kiến thức chuyên môn.

Và vì học để thi, các chương trình đào tạo từ phổ thông đến đại học, sau đại học (thậm chí cả mầm non) đều dày đặc kiến thức, đè nặng lên đôi vai, đôi mắt và não bộ người dạy, người học.

Kiểu học tập nhồi nhét, thi cử đặt nặng “bạn có biết” ấy đã đẩy cả giáo viên, học sinh và phụ huynh vào thế phải sống chung với học vẹt, học tủ (thậm chí thờ ơ với dối trá). Phương pháp dạy và học từ đó thành áp đặt, làm thui chột óc sáng tạo và hứng thú nghiên cứu, học tập, khiến việc học của trẻ nhỏ không phải niềm vui, mà là ác mộng.

Trẻ nhỏ bị lấy đi tuổi thơ, sức khỏe, ảnh hưởng đến khả năng, thái độ làm việc về sau, được mang ra lý giải vì sao năng suất lao động của người Việt “đội sổ” trong khu vực. Thêm nữa, kiểu học và thi trên còn khiến các “quái thai” lò luyện núc ních người, lớp học thêm chui nhủi không thể xóa bỏ. Báo chí giờ đi “tìm diệt” người thầy, cảnh tượng quá chua xót ở một đất nước giàu truyền thống tôn sư trọng đạo.

Đáng lo ngại hơn, theo GS.TS Vũ Minh Giang, cả người dạy, người học không còn đủ thời gian, sự quan tâm cho việc trau dồi phương pháp, kỹ năng, học để hiểu biết, để nuôi dưỡng tâm hồn.

Xót đau hơn, khi cái căn bản của giáo dục (là học cách tự học, học làm người) bị lép vế so với thái độ học thực dụng (vị bằng cấp), khiến đất nước hôm nay dù lắm tiến sĩ, giáo sư, nhưng thưa vắng dần một đội ngũ với tri thức và nhân cách đáng kính, có năng lực dẫn dắt xã hội.

leftcenterrightdel
 Tranh minh họa. 

2. “Đổi mới” đã xa, thì “toàn diện” còn vời vợi. “Học để biết, học để làm, học để chung sống cùng nhau, học để tự khẳng định mình” là mục đích của giáo dục UNESCO đưa ra gần nửa thế kỷ. Nhiều quốc gia đã áp dụng, nhưng Việt Nam vẫn lò dò “học để thi”, rất xa “học để biết”.

Ít ai nhớ rằng giáo dục là “sàn diễn” của hai “diễn viên” chính là Trò và Thầy, không phải cơ quan quản lý.

Việt Nam có đội ngũ cán bộ giảng dạy có chất và lượng ngày càng được nâng cao. Thế nhưng phương pháp giảng dạy của họ vẫn mang tính thuyết giảng, truyền dạy kiến thức thụ động, dạy 1 biết 1. Ngành giáo dục hô hào đặt trọng tâm lên người học, người dạy toàn diện cả kiến thức, cả làm người. Nhưng làm sao có thể dạy trẻ trở nên tự chủ, hợp tác, sáng tạo nếu bản thân thầy cô phải theo sách, giáo trình, không được trao quyền tự chủ, không được huấn luyện tốt để có khả năng quyết định những cách tổ chức hoạt động giúp tạo ra kỹ năng cho trẻ?

Người thầy đã bị động, người trò còn khổ nhọc hơn khi chương trình học quá nặng kiến thức, ít được lên tiếng, tương tác, thực hành. Chúng ta đang bắt trẻ phải thích ứng với chương trình mới do người lớn suy nghĩ và thiết lập. Triết lý dạy lấy trò làm trung tâm trở thành… trò cười.

Đã có những đề xuất: Tại sao cứ biến học sinh trung học thành “chuột bạch” mà không bắt đầu cải cách từ lứa mầm non, nơi trẻ bắt đầu tiếp xúc với trường lớp,  học sống với người khác?

Trẻ được đặt vào vị trí trung tâm từ nhỏ, tiếp tục là “trung tâm” ở các cấp học sau, quen và chủ động tương tác với người dạy. Thêm nữa, các môn học khi được phân bổ hợp lý (ví dụ 30% lý thuyết, 70% thực hành)… sẽ giúp đưa chương trình học gần thực tiễn, sát nhu cầu xã hội.

Tới nay, cấp học mầm non vẫn chỉ đang giống nơi “nuôi nhốt” hơn nơi học.

3. Bộ GD-ĐT thường hay nêu những hạn chế về cơ sở vật chất, đãi ngộ… Nhưng thực tế, ngành này được đầu tư trên dưới 20% tổng chi ngân sách quốc gia, kể cả trong khủng hoảng. Như vậy, lực cản lớn nhất của họ có phải là tiền, đội ngũ, hay chính là sự thiếu hụt niềm tin?

Thực tế, không nhiều người tin Bộ GD-ĐT là những “cậu bé biết tuốt”; không có tham nhũng trong các dự án xây dựng cơ bản, các đề án cải cách trăm tỷ, ngàn tỷ; tình trạng hành hạ trẻ em, bạo lực học đường, gian lận thi cử là cá biệt... Năng lực quản lý bị hoài nghi, niềm tin và sự đồng thuận mong manh, thì làm sao ngành giáo dục hội đủ nguồn lực để cải cách thành công?

Về vai trò của Bộ GD-ĐT, thay vì tập trung lo chuyện vĩ mô, thanh tra, giám sát… sao cho liêm chính, hiệu quả, Bộ lại biến mình thành Ban Giám hiệu của mọi trường học, khi xảy ra tiêu cực thì vá víu vội vã. Tiêu biểu và đau xót nhất là chuyện cải cách thi tốt nghiệp THPT “2 trong 1”.

GS Nguyễn Minh Thuyết từ năm 2015 đã dự báo: Gộp 2 kỳ thi sẽ tạo nên tình trạng “nửa dơi nửa chuột”. Và nay, khi Bộ GD-ĐT ra đề dễ, điểm 10 ngập tràn, phá sản mục tiêu phân hóa. Bộ rút kinh nghiệm và ra đề khó thì điểm 0 la liệt. Scandal sửa điểm là một u nhọt “bị lộ”.

Từ đó, đã có ý kiến cho rằng Bộ nên trao quyền tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho địa phương, giao kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ cho nhà trường (tùy chọn thi tuyển hay xét tuyển). Khi các trường ĐH-CĐ được tự quyết, chuyện dạy và học ở cấp học dưới phải thay đổi, hướng vào thực tiễn, người học sẽ có cơ hội học để biết, để làm, để chung sống, để khẳng định mình.

Nguyên ĐBQH Lê Như Tiến đã thống thiết: Cần một cuộc đại phẫu. Nhưng có ý kiến phản bác rằng, với sự tan nát hiện nay, chỉ còn cách “đập đi xây lại”. Bộ GD-ĐT vẫn bình thản, vẫn nhắc về Nghị quyết 29–NQ/TW ngày 4/11/2013 của BCH Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, bằng góc nhìn chưa thật thẳng, đúng và trúng thực tiễn khách quan.

Và để phát động một cuộc cách mạng thực sự, Bộ GD-ĐT có nên bắt đầu bằng việc “buông” các kỳ thi, toàn tâm toàn ý lo quản lý, xây dựng các kế hoạch mang tầm chiến lược để thay đổi nền giáo dục Việt toàn diện, từ gốc?


Theo Congluan.vn

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra