Giàu sang có nhờ "viên đá"?

Thứ hai, 28/01/2013 00:02
(ThanhtraVietnam) - Thời gian gần đây, người dân bỗng nở rộ lên phong trào chơi đá phong thủy. Rất nhiều người sẵn sàng bỏ ra vài triệu, có khi cả trăm triệu đồng và không ngại cất công “truy lùng” để có được một viên đá phong thủy như ý muốn của mình. Theo họ, đó là những “vật báu” có thể đem đến vận may, tài lộc, phú quý và công danh cho gia chủ.

Rầm rộ mốt chơi đá

Trên địa bàn thành phố Hà Nội, thời gian gần đây mọc lên hàng trăm cửa  hàng "vật phẩm phong thủy". Chủ yếu bày bàn các loại đá, hoặc sản phẩm từ đá có tác dụng mang lại vượng khí cho người sử dụng. Dạo qua các cửa hàng nói trên, người ta dễ dàng nhận thấy cảnh mua bán sôi động đối với mặt hàng còn nhiều mới mẻ này.

Tại một cửa hàng "vật phẩm phong thủy" trên phố Bà Triệu, bày bán hàng trăm sản phẩm lớn nhỏ, hình dáng đa dạng làm từ đá. Giá của các mặt hàng này cũng rất phong phú, từ vài chục nghìn, trăm nghìn đến chục triệu đồng tuỳ thuộc vào trọng lượng, mẫu mã, chất lượng đá khác nhau.

Nhân viên bán hàng giới thiệu: "Hàng nhà em toàn hàng cao cấp nhập từ Brazil nên anh chị cứ yên tâm về chất lượng. Mỗi vật đều có ý nghĩa tượng trưng cho mong muốn của gia chủ. Cụ thể, Tỳ hưu, tượng Phật Di lặc và ông Cóc (thiềm thừ) đang là những mặt hàng bán chạy nhất. Nhà nào chơi đá phong thủy thì ít nhất cũng phải có một trong ba thứ ấy".

Đá phong thủy.


Cho chúng tôi xem hình ông Cóc ngồi giữ vàng có giá  2,5 triệu đồng, chị nhân viên tiếp tục giảng giải: "Giới buôn bán thì chuộng ông Cóc hơn vì ông Cóc được xem là vật đem về tài lộc và giữ của.  Nếu đã "rinh" ông Cóc về nhà thì phải bày ở chỗ sang trọng nhất, thường là ở phòng khách hoặc cửa ra vào. Nhưng muốn được như ý thì chủ nhân cũng phải biết đặt ông Cóc cho đúng kiểu mới linh nghiệm".

Để phục vụ nhu cầu của thị trường, các nhà kinh doanh đều sản xuất  hình cóc đặt trên giá có đế đỡ và có thể quay 360 độ. Vì thế, mỗi sáng gia chủ nên quay mặt ông Cóc ra ngoài cửa để ông Cóc mang tiền về, đến tối lại quay mặt ông Cóc hướng vào nhà mình, như vậy nhà mới "đọng của". Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhu cầu của khách hàng cũng rất khác nhau, người mua về trang trí, mua để thờ và người mua về làm quà biếu cũng rất nhiều.

Theo anh Tuấn, một nghệ nhân tạc đá hàng đầu miên Bắc ở Đan Phượng, Hà Nội cho hay: Do hoàn cảnh ảm đạm chung của nền  kinh tế,  số người chơi đá phong thủy có giảm đôi chút trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, những người chơi đá trang sức, đá phong thủy có kiến thức, và có đẳng cấp vẫn luôn biết lựa chọn cho mình những món đồ phong thủy, đồ trang sức tinh túy, chất lượng.

Đá quý – vàng thau lẫn lộn

Theo anh Tuấn, do nhu cầu phong phú về đá phong thuỷ, đá trang sức của nhiều khách hàng, những người buôn bán sẵn sàng đáp ứng các loại vật phẩm đa dạng, từ các loại đá bình thường đến đắt tiền như kim cương, ruby, ngọc, thạch anh (tím, hồng…), saphia, đá mã não (xanh, đỏ, vàng)... Tuy nhiên, để mua được đá thật theo đúng ý muốn, cơ hội cho khách hàng không nhiều. Bởi theo nhiều chuyên gia, các sản phẩm đá trên thị trường có tới trên 90% là đá giả.

Chính vì lẽ đó, giá cả của đá là vô cùng, chẳng người mua nào xác định được giá trị thật của khối đá mình đang sở hữu, nhất là với đá phong thuỷ, những đồ vật mang tính tâm linh. Vì thế, nhiều người cứ nhắm mắt mua đá mà quên hẳn đi sự thật giả và mua theo kiểu hên-xui. Thực tế, số người may mắn khi mua đá không nhiều bởi lẽ đá qua chế tác thành đeo mác “đá quý” để đội giá khá phổ biến.

Trong chuyến thăm dò các cửa hàng vật phẩm phong thủy trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi nhận thấy một thực tế: rất nhiều chủ cửa hàng không có kiến thức về đá phong thủy. Sự giới thiệu của họ về công dụng của đá hầu như chỉ theo sách vở, kiểu "học thuộc lòng". Chính vì thế, người mua đôi lúc cũng không tránh khỏi cảm giác hồ nghi.

Lại nữa, nguồn gốc các loại đá phong thủy rất mập mờ. Hiện nay, các cửa hàng đá chủ yếu nhập hàng từ bên kia biên giới. Xuất xứ không minh bạch, và tất nhiên, không đáng tin. Một vài cửa hàng sử dụng đá quý ở vùng Lục Yên (Yên Bái) hay Đà Nẵng. Để biết chắc về chất lượng của các loại đá này, người chơi nên nhờ hướng dẫn của các chuyên gia, các trung tâm tư vấn về đá quý và đá phong thủy.

Giới chơi đá phong thủy lưu truyền câu chuyện một doanh nhân thành đạt nhờ có mấy khối thạch anh nặng đến nửa tấn ở trên sân thượng công ty mình. Lại có một câu chuyện khác, một ngôi chùa nhỏ đột nhiên đông nghẹt đệ tử đến vãn cảnh, lạy phật. Những người đến đây nói rằng họ thấy người phấn chấn, mọi việc hanh thông. Người ta cho rằng nguyên nhân là do có một pho tượng phật mà một đệ tử dâng tặng cho chùa được làm từ đá thạch anh đã khiến ngôi chùa có sinh khí dồi dào, đem lại bình an và tài lộc cho mọi người. Tuy nhiên, cũng theo ông Tuấn, hiện nay nhiều người trấn yểm phong thuỷ bằng đá quá tuỳ tiện làm mất đi tính khả dụng của căn nhà.

Thậm chí, nhiều người “sính” phong thuỷ đến mức bị “tẩu hoả nhập ma” khi trong nhà “giam” đầy đá. Bản thân đá thật, đá rởm chủ nhân cũng không biết. Mà thực tế, theo các nhà nghiên cứu về đá, đá không ở thể tĩnh, “nó có sinh khí, có thể thở”. Nếu phù hợp nó tạo sức mạnh cho chủ nhân, nhưng không chế ngự được đá, chủ nhân dễ bị… sinh bệnh.

Giáo sư Phan Cốc Tây trong lời tựa cuốn Nguồn gốc Phong thuỷ viết: "Nội dung chính của Phong Thủy là một loại học vấn mà người ta dùng để xử lý và chọn lựa hoàn cảnh ăn ở, trong đó có nhà ở, cung thất, chùa chiền, lăng mộ, thôn xóm, thành thị; lăng mộ thì gọi là âm trạch, còn lại đều gọi là dương trạch. Phong Thủy về hoàn cảnh ăn ở, ảnh hưởng chủ yếu trên ba mặt: Một, sự lựa chọn địa điểm, tức tìm một địa hình thỏa mãn cả hai mặt tâm lý và sinh lý; Hai, xử lý về mặt hình thái trong cách bố trí, bao gồm lợi dụng và cải tạo hoàn cảnh thiên nhiên, hướng nhà, vị trí, cao thấp to nhỏ, cửa ra vào, đường đi, nguồn cấp nước, thoát nước... Ba, trên cơ sở nói trên, thêm vào một dấu hiệu, nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm lý tránh cái dữ, lấy cái lành cho con người".

Như vậy, chơi đá phong thủy, đá trang sức không đơn giản chỉ là mua một viên đá về đặt trong nhà. Thú chơi này yêu cầu người chơi phải có kiến thức về khoa học tự nhiên, về phong thủy, phải chuyên sâu tìm hiểu, biết áp dụng hợp lý để phát huy cái hay, cái tốt. Nói cách khác, để trở thành người chơi đá phong thủy, đá quý đẳng cấp, tiền không phải là yếu tố quyết định, điều quan trọng là kiến thức và cái tâm.

Lời khuyên của các chuyên gia

Giới chơi đá phong thủy lưu truyền câu chuyện một doanh nhân thành đạt nhờ có mấy khối thạch anh nặng đến nửa tấn ở trên sân thượng công ty mình. Lại có một câu chuyện khác, một ngôi chùa nhỏ đột nhiên đông nghẹt đệ tử đến viếng cảnh, lạy phật. Những người đến đây nói rằng họ thấy người phấn chấn, mọi việc hanh thông. Người ta cho rằng nguyên nhân là do có một pho tượng phật mà một đệ tử dâng tặng cho chùa được làm từ đá thạch anh đã khiến ngôi chùa có linh khí dồi dào, đem lại bình an và tài lộc cho mọi người.

Chẳng biết những câu chuyện ấy thật đến mức nào, nhưng nó đủ sức khiến không ít người móc túi vài chục triệu đồng để mua đá phục vụ cho mục đích “phong thủy”. Anh bạn tôi chỉ là một trong rất nhiều trường hợp.

Vậy phong thủy là gì? Xin thưa, tuyệt đại đa số người Việt đều nghe quá nhiều về hai từ này. Hầu hết người Việt cũng nghe kể những câu chuyện về việc chọn đất ở, xem hướng nhà, chọn đất đặt mộ... Nhưng hiểu về nó, lại là một câu chuyện khác. Bóc đi cái lớp vỏ thần bí (mà thường được những tay xem bói sử dụng), phong thủy thực chất là một môn khoa học của phương Đông.

Nói một cách nôm na, phong thủy là tổng hợp hàng loạt yếu tố về địa hình địa thế xung quanh nhà ở, thôn xóm, thành phố hoặc mồ mả, hướng gió, dòng nước cùng tọa hướng, hình dạng, bố cục mặt bằng không gian xây dựng. Hai chữ phong thủy còn chỉ phương pháp tìm kiếm và chọn lựa nơi trú ngụ hoặc mai táng nhằm đạt được cát tường phú quí, phúc thọ bình yên. Phong thủy là một môn khoa học đầy những phức tạp, muốn hiểu phong thủy, phải thấu hiểu kinh dịch, hiểu về thuyết âm dương ngũ hành.

Những viên đá đều có từ trường nhất định, đặc biệt là những loại đá quí và bán quí. Thạch anh chính là một trong những loại đá được sử dựng nhiều nhất, đặc biệt là ở phương Tây, một trong những mục đích sử dụng, là bổ trợ cho sức khỏe của con người.

Để hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi tìm đến nhà sưu tập đá nổi tiếng Việt Nam, đồng thời cũng là người có nhiều kinh nghiệm trong sắp đặt đá phong thủy – ông Lê Mạnh Tuấn. Ông Tuấn cho biết: “Trong điều kiện ngày nay, con người không thể chọn được chỗ ở ưng ý như các cụ ngày xưa, nên sử dụng đá trong phong thủy, để giảm bớt những yếu tố tiêu cực trong môi trường sống là cần thiết. Từ rất lâu, cả phương Đông đã sử dụng đá trong phong thủy, và trong bổ trợ sức khỏe”. Có 5 nơi trong một căn nhà cần chú ý: Nơi thờ tổ tiên (tâm linh), phòng bếp - nhà ăn (nơi nạp năng lượng), phòng ngủ (nơi tĩnh dưỡng), phòng khách (nơi giao tiếp), phòng vệ sinh (nơi thải). Đây cũng là 5 khía cạnh sinh hoạt của đời sống con người. Nếu một trong những khía cạnh này bị trục trặc, thì cuộc sống có thể bất ổn. Có thể dùng đá để giải quyết những mặt tiêu cực phát sinh, nhưng sử dụng thế nào, đòi hỏi phải có kiến thức sâu về văn hóa phương Đông, về phong thủy.

Theo ông Tuấn, xưa kia, vua chúa và những người quyền quí của Trung Quốc thường đeo các loại ngọc trên người. Đó không đơn thuần là những vật quí, mà còn do đá có từ trường, khi để gần cơ thể, từ trường này tác động đến hệ kinh lạc của con người. Nếu sử dụng đúng, sẽ có tác dụng bổ trợ sức khỏe. Việc dùng đá như thế nào là một vấn đề vô cùng phức tạp. Có thể mỗi hôm người ta đeo một loại đá khác nhau, ngoài căn cứ vào cơ địa của con người, còn phải căn cứ vào điều kiện môi trường của ngày hôm đó. Nếu sử dụng không đúng, có khả năng sẽ gây phản tác dụng. Việc đặt các loại đá trong phòng làm việc, phòng ăn cũng vậy, với từng trường hợp, bản thân người có trình độ cũng phải có những tính toán thật kỹ mới có thể đưa ra được phương án chọn những loại đá gì để sử dụng cho phù hợp.

Vậy nên việc bảo đá thạch anh tím có một "mớ" tác dụng vừa không có căn cứ, mà hơn thế, cùng loại đá đó, nhưng không phải ai cũng dùng được. Ông Tuấn dẫn ra một ví dụ, một người mệnh Hỏa, nhưng có thể sinh vào tháng Thủy, ngày Thổ, vậy không chỉ lấy một yếu tố là mệnh Hỏa mà đặt đá được. Phải giải cả “bài toán” đó, chưa hết, trong quan niệm phương Đông, trong phúc có họa, trong biến có an - đấy cũng là yếu tố cần quan tâm khi nói đến đá phong thủy.

Nghe ông Tuấn giải thích một hồi, cũng võ vẽ ít kiến thức về văn hóa phương Đông, nhưng tôi cũng thấy choáng. Lại lo cho trường hợp của anh bạn tôi, không biết “thầy” của anh “trình” đạt đến đâu, mà rặt chỗ nào cũng xui anh xếp đá. Từ trường của đá tác dụng vào hệ kinh lạc, không hiểu chuyện gì có thể xảy ra. Nếu chẳng may dùng nhầm loại đá...

Thu Hiền

Host
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra