Giòn thơm bánh đa Lạng Côn

Thứ tư, 16/05/2012 06:21
(ThanhtraVietnam) - Thành phố Hải Phòng với những con đường rợp bóng phượng vĩ, với những hè phố rộng, từ lâu đã trở thành địa điểm kinh doanh lý tưởng của những món ngon đậm chất bình dân, bánh đa cũng ở những nơi như thế. Đi trên bất cứ con phố nào, bạn đều có thể bắt gặp một vài chiếc bàn, chiếc ghế được kê ngay ngắn bên hè phố, gần đó là cái bảng nhỏ với vài chữ không cần nắn nót “Bánh đa”... Bánh đa làm khai vị, ăn chung với thức ăn, làm đồ nhắm…

Người dân Hải Phòng rất tự hào về đặc sản của đất mình, nhưng không phải ai trong số họ cũng biết rằng, tại một ngôi làng nhỏ cách trung tâm thành phố không xa, những mẻ bánh đa vừa ngon, vừa giòn, vẫn hàng ngày, hàng giờ được ra lò từ những đôi bàn tay khéo léo, cần cù, yêu lao động...

Thủa ban đầu với nghề làm bánh đa

Nghề làm bánh đa xuất hiện ở làng Lạng Côn cũng đã hơn mấy chục năm. Khi đó, nghề nghiệp chính của làng là làm ruộng, thu nhập một năm chỉ quanh quẩn ở mấy sào ruộng, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. "Cái khó bó cái khôn", sống mãi trong cảnh nghèo, một số người đã học làm bánh đa để bán cho các quán nhậu kiếm thêm thu nhập, vừa có sản phẩm thừa để chăn nuôi gia súc. Thấy có lợi, một số gia đình khác cũng sắm đồ nghề làm theo. Chỉ sau một năm đã có tới một nửa số hộ gia đình trong làng làm bánh đa.

Thời gian đó người dân trong làng làm bánh đa theo phương pháp thủ công. Tất cả mọi công việc từ ngâm gạo, xay bột rồi tráng bánh đều được làm bằng tay. Để có thể làm được tấm bánh đa phải trải qua rất nhiều công đoạn. Lúc đầu phải chọn gạo không có nhiều độ dẻo như Q5, ngâm gạo qua một đêm cho mềm gạo, đem gạo đã ngâm đó xay thành bột rồi lại tiếp tục ngâm, sau đó đem tráng bánh. Bánh được tráng ra phên làm bằng tre, nứa rồi đem phơi cho tới khi nào bánh khô nghe tiếng nổ là phải thu vào ngay. Sau đó người ta lột bánh thành từng xấp bánh rồi tiếp tục phơi cho đến khi đủ độ thì thu vào, tuy nhiên chất lượng bánh lại phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Có những khi gặp thời tiết xấu, trời mưa, gạo ngâm lâu không xay được sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bánh, bột ngâm không tráng được sẽ phải đổ đi, bánh làm ra không có nắng phơi sẽ dễ gãy và có mùi hôi. Cũng có khi đang phơi bánh thì trời mưa, bánh ướt phải thức đêm để sấy khô. Những lúc như vậy vừa mệt người, vừa tốn tiền mua than sấy bánh, chất lượng bánh thì không ngon bị người mua ép giá. Nhiều người trong làng thời kỳ đó định bỏ nghề vì thu nhập chẳng được là bao, nhiều khi còn bị lỗ vốn. Vất vả như vậy cho nên vào thời kỳ đó, chưa ai trong làng dám nghĩ  sẽ làm giàu được từ nghề này. Ông Nguyễn Văn Thành, chủ một hộ làm bánh đa lâu năm nhớ lại: "Ban đầu cũng có khá nhiều người trong làng làm bánh đa, sau do làm bánh đa phải qua nhiều công đoạn, lại chủ yếu làm bằng thủ công, thu nhập thấp, nên có một số gia đình không làm nữa. Khi đó, ai cũng bảo khó làm giàu từ bánh đa lắm".

Bánh đa - Thương hiệu của làng Lạng Côn

Khó khăn chồng chất, những tưởng nghề làm bánh đa tại làng Lạng Côn sẽ không phát triển được, thế nhưng từ khi chiếc máy tráng bánh đầu tiên xuất hiện tại đây thì mọi việc đã thay đổi. Nhờ có máy tráng, năng suất lao động của những gia đình làm bánh đa tăng lên hẳn. Trước kia khi còn làm thủ công, bình quân 1 gia đình 4 người cũng chỉ làm được khoảng 60-80 kg gạo. Nếu thời tiết thuận lợi thì mỗi ngày một gia đình cũng thu được trên 100 nghìn đồng. Nhưng với sự xuất hiện của chiếc máy tráng bánh, công việc trở lên hiệu quả hơn rất nhiều. Một gia đình 4 người có thể làm được từ 120 đến 150 kg gạo thành bánh, nhà nào làm nhiều có thể lên tới 200kg. Thu nhập cũng tăng lên từ 200 đến 300 nghìn đồng một ngày. Điều đáng nói là chiếc máy tráng bánh có thể được rất nhiều và nhanh, một buổi sáng có thể tráng bánh cho 4 đến 5 gia đình. Từ khi có máy công việc nhàn hơn hẳn, đa phần các gia đình chỉ làm đến chiều tối là hết việc.

Anh Nguyễn Bổng, nhà có máy tráng bánh cho biết: "Giá một máy tráng là từ 13 đến 15 triệu đồng, một ngày có thể tráng cho 4-5 nhà, xếp lịch đưa bột đến, chỉ tráng trong hơn tiếng đồng hồ là xong". Khi hỏi về thu nhập hàng ngày, anh tâm sự: "Nếu nhà nào có máy, ngoài làm được việc của nhà, thêm được tiền tráng bánh thuê, có khi thu nhập khoảng 500 nghìn một ngày". Từ khi có máy tráng có rất nhiều gia đình đã quay trở lại với nghề làm bánh đa. Số lượng bánh nhiều hơn, chất lượng bánh ngon hơn, nhiều người từ nơi khác cũng đến mua mang đi tiêu thụ. Sản phẩm bánh đa của làng đã được các vùng lân cận, thậm chí là từ tỉnh khác đến mua.

Hiện nay, nghề bánh đa đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Làng Lạng Côn hôm nay đã được nhiều nơi biết đến từ chính sản phẩm bánh đa, một "thương hiệu" của làng, đồng thời cũng là hương vị của quê hương Hải Phòng.



Thu Hiền

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra